1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cẩn thận với thủy ngân trong đèn compact

Ngoài tác động đến hệ thần kinh, thủy ngân còn có thể làm hại thận, gan, gây suy hô hấp cấp, và gây tử vong. Được biết, hàm lượng thủy ngân trong một bóng đèn compact trung bình là khoảng 5 mg và có kích cỡ bằng hòn bi trong chiếc bút bi.

Với quyết định của Thủ tướng phê duyệt chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006-2010, đèn huỳnh quang compact (đèn compact) chính thức được phép thay cho đèn dây tóc nóng sáng tại các vị trí thích hợp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng thủy ngân chứa trong loại bóng đèn này rất độc hại với cơ thể.

 

Kẻ thù giấu mặt

 

Theo TS Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng & dung dịch hoạt hóa điện hóa - Việt Nam mới bắt đầu dùng đèn compact từ năm 2000 và cho đến gần đây, chủ yếu sử dụng đèn đã qua sử dụng nhập từ các nước.

 

Do vậy, cộng với việc chưa có kinh nghiệm lắp bóng và điện lưới không ổn định, số đèn compact hỏng khá nhiều, đồng nghĩa với việc đại đa số thải loại bị ném vào sọt rác.

 

Thủy ngân có lẽ được biết đến nhiều nhất bởi tác động của nó đến hệ thần kinh. Theo PGS.TS Lê Văn Cát (Viện Hóa học), thủy ngân còn có thể làm hại thận, gan, gây suy hô hấp cấp, và một lượng đủ lớn thủy ngân có thể gây tử vong.

 

Các nhà khoa học cho rằng, kẻ thù giấu mặt nằm ở các bãi rác chứa các đèn compact thải loại. Một lượng nhất định thủy ngân tỏa ra từ các bãi chôn lấp rác ở dưới dạng hơi methyl-mercury (methyl - thủy ngân), thứ có thể đi vào chuỗi thức ăn dễ dàng hơn thủy ngân nguyên tố dạng vô cơ vốn được phát thải trực tiếp từ các bóng đèn vỡ hoặc các nhà máy nhiệt điện chạy than.

 

Hàm lượng thủy ngân trong một bóng đèn compact trung bình chứa khoảng 5 mg và có kích cỡ bằng hòn bi trong chiếc bút bi. Các nhà sản xuất thừa nhận lượng thủy ngân họ dùng trong hầu hết các bóng compact là 5-6mg cho mỗi bóng.

 

Theo ông Alex Ngian (Cty TNHH Điện tử Philips Việt Nam), phần lớn bóng đèn của hãng Phillips chứa không đến 3 mg thủy ngân và một số loại chỉ chứa 1,23 mg.

 

Phó mặc người tiêu dùng

 

Đáng tiếc nhất là ý thức về nguy cơ ô nhiễm thủy ngân từ đèn compact ở nước ta gần như ở mức… không có gì. Cả Cục Bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất đèn compact, và nhiều tổ chức đều chưa có bất cứ ý niệm gì về việc cần thiết phải thu hồi và tái chế đèn compact.

 

Cũng chưa thấy bất cứ nhóm vận động môi trường nào kêu gọi các siêu thị hay các đại lý phân phối lớn đèn compact làm việc này.

 

Đến Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất đèn compact ở Việt Nam, chúng tôi nhận được lời khẳng định của người có trách nhiệm rằng công nghệ sản xuất của công ty là dùng thủy ngân dạng viên Amalgam để nạp vào trong bóng đèn compact, nhằm cố định lượng thuỷ ngân trong đèn và bảo vệ môi trường sản xuất. Viên thủy ngân loại này không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người lao động làm việc trên dây chuyền vì đây là công nghệ vật liệu mới.      

 

“Kể cả các nước công nghiệp tiên tiến nhất như Nhật Bản, việc sản xuất các loại bóng này do cấu tạo và nguyên lý hoạt động của đèn bắt buộc phải có thủy ngân” - Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông nói.

 

Khi chúng tôi đặt vấn đề có nên in dòng chữ khuyến cáo cách xử lý với đèn hư hỏng lên bao bì sản phẩm hay không, bà Xuân cho rằng nhà sản xuất không có trách nhiệm đưa ra khuyến cáo này.

 

“Ngay cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới như GE, Philips, Osram, Toshiba, hoặc các chương trình tiết  kiệm năng lượng  trên thế giới và trong nước như UNDP, WB, DSM, VEEPL cũng không thấy đưa ra lời khuyến cáo về nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe và môi trường ngoài việc tuyên truyền khả năng tiết kiệm điện của đèn compact”.

 

Tuy nhiên, bà Xuân cũng thừa nhận: “Khi đèn chưa hết tuổi thọ và bị vỡ, thủy ngân mới có nguy cơ thất thoát ra môi trường và gây độc”.

 

Một quan chức Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Cục Bảo vệ môi trường, nói, thủy ngân là kim loại độc hại có trong danh mục các chất thải nguy hại nhưng chưa có quy định cụ thể về các sản phẩm có hàm lượng thủy ngân sau khi sử dụng.

 

Tuy nhiên ông cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 có điều khoản quy định các nhà sản xuất phải ghi rõ những khuyến cáo với sức khỏe và môi trường nếu trong thành phần của sản phẩm có yếu tố độc hại.

 

Theo đánh giá không chính thức của Bộ Công nghiệp, số lượng đèn compact tiêu thụ năm ngoái ở nước ta cỡ một triệu chiếc. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 50 triệu bóng đèn sợi đốt và lộ trình từ giờ đến năm 2010 sẽ thay thế không dưới một phần ba số bóng đó.

 

Thông thường khi hỏng, bóng đèn bị ném không thương tiếc vào sọt rác. Theo các nhà khoa học, đây chính là lúc thủy ngân bay hơi và con người vô tình hít phải hơi độc. Thủy ngân khi ở dạng hơi có thể đi vào cơ thể theo đường hô hấp hoặc thấm qua da.

 

Năm 2005, Pháp, quốc gia mới sử dụng 16 triệu bóng compact, ban hành đạo luật bắt buộc xử lý chất thải là đèn compact có kim loại nặng như thủy ngân. Bang California (Mỹ) ban hành đạo luật cấm công dân của bang ném đèn compact ra bãi rác. Còn bang Massachusetts yêu cầu nhà sản xuất phải thực hiện chương trình thu hồi và tái chế bóng đèn mà họ bán ra.

 

Theo Nhóm PV

Tiền Phong