1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội ngoài Đảng

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã xác định phương hướng chuẩn bị nhân sự và lãnh đạo bầu cử Quốc hội khóa XII. Đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đồng thời hoàn thiện cơ chế bầu cử nhằm nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Đình Hương nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn về vấn đề này.

Ông Hương nói: Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cho nên đại biểu phải có phẩm chất và trí tuệ cao. Lâu nay, khi nói đến Quốc hội chúng ta thường chỉ nhấn mạnh ba chức năng: lập hiến và lập pháp; giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước mà ít nói đến chức năng đại diện.

Cần nhớ rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.

Từ đó, xác định rõ đại biểu Quốc hội phải là người có phẩm chất, trí tuệ và phải là chính khách. Đó là năng lực am hiểu đường lối và pháp luật, có khả năng nghiên cứu, đóng góp vào các dự án luật. Nếu không có trình độ thì không thể có chính kiến và những đại biểu như thế chẳng qua chỉ là “nghị gật” mà thôi.

Khi nước ta là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì luật pháp càng phải đồng bộ và đổi mới nhằm  phù hợp với thông lệ quốc tế, chính sách phải minh bạch, đòi hỏi trí tuệ đại biểu Quốc hội phải mẫn tiệp, phải là công dân ưu tú.

Chính vì thế, Trung ương nhấn mạnh yếu tố “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư” đối với người đại diện cao nhất của nhân dân. Đại biểu Quốc hội không thể đội  trời chung với kẻ tham nhũng.

Đấy là về  đại biểu, còn tổ chức của Quốc hội cần đổi mới như thế nào, thưa ông?

Như Hội nghị T.Ư 4 đã xác định là tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách, đẩy mạnh hoạt động nhằm phát huy vai trò của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức  lại một số ủy ban của Quốc hội; nâng cao chất lượng hoạt động các ủy ban và Hội đồng dân tộc; xây dựng cơ chế bầu cử thật dân chủ…

Luật tổ chức Quốc hội quy định phải có ít nhất 25% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Khóa XI đã thực hiện được rồi. Khóa XII nên tăng một cách hợp lý, cần thiết có thể 30% trở lên số lượng đại biểu chuyên trách để tiến tới xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp.

Xuất phát từ nhu cầu đổi mới, cũng có thể sửa đổi, bổ sung luật cho phù hợp… Tôi cũng đề nghị không nên đưa những cán bộ yếu kém ở các cơ quan khác để bầu thành đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Theo tôi, các đồng chí cán bộ cấp cao đã đảm nhiệm trọng trách trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền không nhất thiết là đại biểu Quốc hội.

Bởi nhiều lẽ, các đồng chí ấy bề bộn công việc hàng ngày, họp hành nhiều, đi cơ sở, đi nước ngoài mà phải đi họp Quốc hội mỗi năm hàng tháng thì rất ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, khó hoàn thành chức trách của mình. Sau nữa, cần tách bạch dần vai trò đại biểu lập pháp với hành pháp, tư pháp.

Vậy theo ông, nên như thế nào?

Theo tôi, đối với Bộ Chính trị thì các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phải là đại biểu Quốc hội. Đối với Chính phủ chỉ nên cơ cấu các Bộ trưởng Quốc phòng, Công an và Ngoại giao là đại biểu Quốc hội. Còn các Bộ trưởng khác không nên vào Quốc hội.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không cần cơ cấu là đại biểu Quốc hội. Lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh chỉ nên cơ cấu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nếu không là Chủ tịch HĐND thì không nhất thiết cơ cấu vào đại biểu Quốc hội.

Vậy những đối tượng nào cần cơ cấu và tăng số lượng đại biểu trong Quốc hội?

Trước hết, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng. Cả nước hiện có gần 85 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 3 triệu đảng viên. Khóa XI có 10% đại biểu Quốc hội không phải là đảng viên là quá ít.

Cơ cấu trong Quốc hội phải thể hiện rõ là đại diện của các tầng lớp nhân dân như các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tôn giáo, các dân tộc thiểu số, phụ nữ, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chú ý đến doanh nghiệp tư nhân, các Hiệp hội nghề nghiệp lớn, các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng vũ trang, đại biểu cán bộ hưu trí, cựu chiến binh v.v…

Trong các tầng lớp ấy, cần lựa chọn những đại biểu có học vấn và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh  vực pháp luật như luật sư, luật gia.

Dư luận lâu nay trong nhân dân cho rằng, một số kỳ bầu cử Quốc hội còn hình thức theo công thức “Đảng cử dân bầu”, số lượng được giới thiệu và số lượng được bầu thường sát nhau như mỗi khu vực bầu cử thường giới thiệu 5 người để bầu bốn, hoặc giới thiệu 4 để bầu 3. Theo ông, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XII nên đổi mới như thế nào?

Việc lựa chọn, giới thiệu và tổ chức bầu cử phải bảo đảm dân chủ. Khi hiệp thương giới thiệu đại biểu Quốc hội cần được công khai, niêm yết danh sách để toàn dân biết, tham gia ý kiến bảo đảm quyền giám sát của người dân.

Khi nhân dân có ý kiến phải kịp thời xem xét, sàng lọc. Thậm chí nhân dân có quyền phát hiện, giới thiệu thêm đại biểu trên nguyên tắc tuân thủ Luật Bầu cử Quốc hội quy định.

Tôi cho rằng, tổ chức bầu cử Quốc hội kỳ này danh sách giới thiệu nên có số dư cần thiết, tức là nhiều hơn trước đây để lựa chọn. Ví như có thể giới thiệu 7 - 8 người để bầu 4 - 5 người.

Bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946 ở Hà Nội, giới thiệu hơn 70 người để lựa chọn, bầu có 6 đại biểu mà rất tập trung, tín nhiệm cao. Chúng ta nên tin vào sự lựa chọn của nhân dân. Ngay cả bầu cử các chức danh trong Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ  cũng nên có số dư, không nhất thiết chỉ giới thiệu một để bầu một…

Những vấn đề này cũng cần tuyên truyền, giải thích  cho nhân dân biết. Từ đó, cử tri lựa chọn những người đại diện tiêu biểu cho họ về đạo đức và năng lực, tránh tình trạng cơ cấu  vào Quốc hội là những “nghị gật”, suốt cả khóa hầu như không tham gia ý kiến thảo luận, tranh luận…

Xin cám ơn ông!

Theo Kim Quốc Hoa
Báo Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm