Cần nâng chất lượng kê khai tài sản với cán bộ chủ chốt
(Dân trí) - “Tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những cán bộ giữ vị trí quan trọng là cần thiết” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nói về hướng sửa luật Phòng chống tham nhũng.
Việc sửa luật Phòng chống tham nhũng đang hút sự quan tâm của dư luận vì những điểm đột phá mạnh mẽ hơn về biện pháp phòng ngừa như quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình với những tài sản tăng thêm. Là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo luật sửa đổi lần này, Thanh tra Chính phủ sẽ cụ thể hóa những quy định thế nào về vấn đề này?
Những vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã định hình, cũng là nội dung cộng đồng người dân, cơ quan quản lý nhà nước quan tâm là yêu cầu công khai minh bạch, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí. Ví dụ, công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch đầu tư phát triển không gian, nhất là ở các khu đô thị lớn, công khai trong quy trình mua sắm tài sản công, công khai trong việc cấp phép khai thác, quản lý khoáng sản, công khai thêm quy hoạch phát triển rừng.
Thanh tra Chính phủ đề xuất mở rộng diện kê khai tài sản tới tất cả các Đảng viên, kể cả những người nghỉ hưu. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng việc kê khai tài sản thu nhập là một hoạt động rất bình thường. Nếu chúng ta hoàn toàn minh bạch thì việc kê khai, công khai tài sản hoàn toàn có thể tiến hành được. Tuy nhiên, để quản lý cán bộ thuộc diện kê khai thì cần một lộ trình nhất định.
Có ý kiến cho rằng việc mở rộng diện cán bộ phải kê khai tài sản không quan trọng bằng việc thực hiện sao để việc kê khai, công khai tài sản của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo chủ chốt trở nên thực chất hơn, tránh hiện tượng hình thức như thời gian qua?
Tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập đối với những cán bộ giữ vị trí quan trọng là cần thiết và những việc đó sẽ được đưa vào luật và các nghị định, văn bản hướng dẫn cụ thể. Chúng ta cũng phải đưa ra chế tài để xử lý trong những trường hợp kê khai không đúng quy định.
Để khắc phục hiện tượng kê khai tài sản có tiến hành nhưng không hiệu quả, lần này trong thiết kế luật mới, cơ quan soạn thảo tính thế nào để người dân có thể giám sát hoạt động kê khai này?
Việc công khai tài sản thu nhập là cần thiết, đối tượng kê khai là những cán bộ có chức có quyền, giữ những vị trí quan trọng của nhà nước cần thiết phải công khai rõ ràng. Đó là vấn đề chúng tôi đề xuất. Còn cụ thể chắc chắn sẽ còn nhiều tranh luận, bàn cãi và mong sẽ có những đề xuất sáng tạo hơn nữa.
Ngoài việc công khai bản kê khai thu nhập ở cơ quan, nhiều ý kiến đề xuất quy định niêm yết công khai cả ở khu dân cư, nơi cư trú để tăng hiệu lực giám sát. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi nghĩ đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Nếu chúng ta càng minh bạch, càng rõ ràng thì công khai đến từng người dân là việc rất tốt.
Còn trách nhiệm giải trình với tài sản tăng thêm - một điểm cũng được đánh giá mà mới trong luật, tới đây Thanh tra Chính phủ dự tính thế nào, có xử lý người kê khai hoặc tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc?
Trách nhiệm giải trình áp dụng với người có tài sản tăng thêm. Đương nhiên, đề cập đến trách nhiệm giải trình trong luật thì chế tài là cần thiết. Lúc này, chúng tôi mới nhận nhiệm vụ để xây dựng theo từng hướng đề xuất. Nhưng vấn đề này chắc chắn sẽ được thể hiện trong luật sửa đổi một cách rõ hơn.
Vấn đề này, xu thế quy định của nhiều nước trên thế giới xử lý rất mạnh, thậm chí người không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm còn bị khởi tố hình sự về hành vi tham nhũng. Quan điểm của chúng ta có làm mạnh như thế?
Ngày 16/8, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng thế giới đã tổ chức hội thảo giữa kỳ Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 nhằm đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các dự án đạt giải. Ông Lê Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra chính phủ đã báo cáo đánh giá giữa kỳ việc thực việc các đề án được giải VACI (chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng). Theo đó, sau khi 34 đề án được công bố trao giải, hầu hết các chủ đề án đã báo cáo với lãnh đạo chính quyền địa phương, tổ chức triển khai thực hiện đề án. Đánh giá về các dự án đạt giải, Phó Tổng thanh tra ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, một số các dự án đạt giải có một quy mô, tính chất lĩnh vực đồng đều trong xã hội mà chúng ta cần quan tâm như vấn đề dân sinh, an sinh, y tế, cộng đồng, đã đáp ứng được cơ bản mục đích đề ra là nâng nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên ông Hạnh cũng cho rằng một số dự án cần phải được nghiên cứu và bổ sung thêm để làm sao các giải đăng ký sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng mà xã hội quan tâm, cần phải phong phú đa dạng và đầy đủ hơn, ví dụ như vấn đề quản lý đầu tư sử dụng đất đai... |
P.Thảo (ghi)