1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cần làm rõ nguồn gốc tài sản của nhà ông Truyền

Tổng biên tập Báo Người Cao Tuổi - ông Kim Quốc Hoa - nhấn mạnh như vậy xung quanh việc tiên phong vạch trần những sai phạm và nghi vấn về khối tài sản quá lớn của cha con ông Trần Văn Truyền

Phóng viên: Thưa ông, ông đón nhận kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ ông Trần Văn Truyền với tâm trạng thế nào?

- Ông Kim Quốc Hoa:
Cần làm rõ nguồn gốc tài sản của nhà ông Truyền

Khi nghe TTXVN và Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin về kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, tôi thấy rất thanh thản. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra trung ương kiểm tra 90 ngày nhưng qua nhiều ngày mà không thấy kết luận nên tôi có nhiều băn khoăn. Vì thế, hôm 7-11, Báo Người Cao Tuổi nhắc lại vụ này trong bài báo về chuyện những sai phạm của ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - và 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của con trai ông ấy. Các đại biểu Quốc hội cũng nhận biết được sự việc và bức xúc nên chất vấn trên nghị trường với Tổng Thanh tra Chính phủ.

Cần làm rõ nguồn gốc tài sản của nhà ông Truyền
Căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, TP HCM mà ông Trần Văn Truyền đề nghị đóng thêm tiền để mua Ảnh: tấn thạnh
 
Việc đưa chuyện này ra, bước đầu đạt mong mỏi của đông đảo bạn đọc, người dân. Người ta thường xuyên gọi điện thoại hỏi tôi, tới tận tòa soạn chất vấn vụ ông Truyền tới đâu, Kim Quốc Hoa có làm được gì không hay lại chìm xuồng? Tôi cũng bức xúc.

Khi Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc, không riêng gì vụ này mà còn nhiều vụ việc khác nữa, chúng tôi cũng tạm dừng cung cấp thông tin trên mặt báo. Con trai ông Truyền 33 tuổi, là đại úy thì lấy đâu ra tiền mà mua gần 2 ha đất của gần 10 gia đình gom lại để làm dinh thự, nhiều cây cảnh, hiện vật, 4 nhà gỗ hiện đại, giá trị hàng trăm tỉ đồng. Từ lúc chúng tôi nêu sự việc (tháng 2-2014), ông Truyền không phản ứng, không có đơn thư, kiến nghị hay một chữ nào nói chúng tôi đúng hay sai. Chúng tôi nêu ông Truyền có 3 cái nhà ở TP HCM thì bây giờ rõ là chính xác; rồi chuyện 2 người con gái ông Truyền công tác ở TP HCM đều có nhà rất khang trang.

Hai hôm nay, tôi nhận không biết bao nhiêu tin nhắn, cuộc gọi, có người tới tận cơ quan để chúc mừng...

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phản ánh hết những vấn đề mà báo nêu?

- Đối chiếu về đất đai, nhà cửa cơ bản khá đầy đủ. Lẽ đương nhiên, trong dư luận và thông tin chúng tôi nắm được thì còn có chỗ này chỗ khác nữa nhưng chưa điều tra xác minh chính xác được. Chúng tôi thừa nhận việc làm của Ủy ban Kiểm tra trung ương đã minh bạch, cụ thể và khoa học. Tuy nhiên, có những chi tiết bạn đọc còn băn khoăn. Như chuyện nhà của ông Truyền ở quận 9, TP HCM; chuyện người mẹ nuôi lập di chúc chia cho ông ấy 4 tỉ đồng để làm khu biệt dinh. Khu biệt dinh hàng trăm tỉ đồng chứ không thể mấy tỉ đồng được. Tôi chỉ đạo phóng viên bí mật lấy cho bằng được giấy phép xây dựng và 8 sổ đỏ mang tên con ông Truyền. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương nói con ông Truyền đứng tên biệt dinh này là hợp pháp. Đúng rồi, hợp pháp vì có sổ đỏ, có giấy phép xây dựng nhưng vấn đề là tiền ở đâu để xây?

Ông Truyền từng đứng đầu cơ quan thanh tra, được ví như Bao Công, nhưng đi ngược lại nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước; thậm chí vi phạm quy chế, quy định, thông tư mà ông ấy ký ban hành, trở thành tấm gương mờ dẫn tới một bộ phận cấp dưới cũng theo đó để làm sai. Ông Lê Sỹ Bảy được bổ nhiệm cách đây 1 năm, đã có tới 6 căn nhà. Đây là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối Các cơ quan trung ương. Cấp dưới như thế, cấp trên như thế thì làm sao khi đi thanh tra mà thanh liêm được!
 

Nguyên Tổng Thanh tra muốn mua lại căn nhà ở TP HCM

Bến Tre: Bắt đầu thu hồi nhà đã cấp sai

Ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, ngày 22-11 cho biết trước khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với ông Trần Văn Truyền, Thường trực Thành ủy TP HCM đã chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận và kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan. Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân khẳng định Sở Xây dựng và Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP đang tiến hành các thủ tục để thu hồi căn nhà này. Ông Truyền có đề nghị đóng thêm nghĩa vụ tài chính để mua lại căn nhà này nhưng TP không đồng ý và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư.

Cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết đã ký quyết định thu hồi thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo kiểm điểm các cá nhân có sai phạm trong việc cấp đất cho ông Trần Văn Truyền. Đảng ủy phường 1, TP Bến Tre có trách nhiệm kiểm điểm về các khuyết điểm của ông Truyền nếu Ban Bí thư có chỉ đạo, vì ông Truyền đang sinh hoạt Đảng ở đây.
 
P.Anh - M.Sơn
_________________________________________________________________________________________________________________
 
Lương bao nhiêu mà xây dinh thự hàng chục tỉ?

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về căn biệt thự tại số 710/3 ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, được xây cất với chi phí hàng chục tỉ đồng trên thửa đất rộng 16.600 m2 (trị giá hơn 24 tỉ đồng). Theo xác minh của phóng viên Báo Người Lao Động, đứng tên sở hữu biệt thự này là Đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre), là con trai của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Người dân ở xã Sơn Đông gọi căn biệt thự này là “cung điện” có một không hai ở ĐBSCL, xây hơn 1 năm mới xong. Công nhân xây dựng từ đâu tới không ai rõ và hằng ngày ở trong khuôn viên công trình chứ ít giao lưu với bên ngoài. Muốn vào cổng biệt thự phải đi qua cây cầu bắc qua kênh. Bề ngang tường rào khoảng 100 m. Có người cho biết riêng cửa cổng biệt thự có giá trị hơn 500 triệu đồng. Một cán bộ hưu trí còn khẳng định Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre cho xe đến thi công cả ngày lẫn đêm, hạ thế hẳn một đường điện riêng. Lúc thi công cho đến khi hoàn thành, chính quyền địa phương không dám kiểm tra kể cả khi lực lượng thi công bơm cát lấp tràn ra làm dòng kênh thoát nước bị bồi lắng.

Cần làm rõ nguồn gốc tài sản của nhà ông Truyền
Căn biệt thự tọa lạc tại số 710/3 ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến TreTheo giám đốc một công ty xây dựng, chỉ tính riêng việc xây dựng “vỏ” biệt thự, không tính nội thất, thì ít nhất gia chủ cũng phải đầu tư khoảng 10 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bé Chính, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, cho biết quyền sử dụng khu đất này là ông Trần Hoàng Anh. Tổng diện tích 16.600 m2 được ông Anh mua của nhiều người, trong đó có 600 m2 thổ cư, còn lại là đất vườn. Ông Hà Thanh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông, nói trong suốt thời gian xây dựng biệt thự này, ông Truyền ở đây nhưng không sinh hoạt Đảng và cũng không đăng ký kê khai tài sản tại xã này. Ông Hùng cũng cho biết vào năm 2011, khi căn biệt thự này khởi công, nhiều cán bộ, đảng viên hưu trí lão thành phản ứng, bày tỏ mong muốn đảng ủy cấp trên đề nghị cán bộ cấp cao về hưu muốn xây nhà đồ sộ thì kiếm chỗ nào khuất lấp mà xây, chứ xây trước bàn dân thiên hạ thì khó coi.

Dư luận đặt câu hỏi: Chỉ là đại úy CSGT, con trai ông Trần Văn Truyền lấy đâu ra hàng chục tỉ đồng để cất biệt thự?

Minh Sơn

Theo THẾ KHA

Người lao động