Cần điều chỉnh hình thức lấy ý kiến người dân về luật Giáo dục sửa đổi

(Dân trí) - Phiên họp thứ 31 diễn ra ngày hôm nay, 21/2,  UB Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Thông tin Bộ GD-ĐT công bố vừa qua có 31 nội dung được lấy ý kiến, số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%...

Học phí – đồng thuận tới 99,5%!

Theo chương trình phiên họp, sáng 21/2, UB Thường vụ Quốc hội  sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc cũng nằm trong nội dung buổi họp này.

Chiều 21/2, UB Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Theo dự kiến, sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo trình bày báo cáo, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cũng sẽ  trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra dự án luật. Từ dự kiến thông qua theo quy trình hai kỳ họp như đa số các dự án luật khác, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được điều chỉnh tăng thời hạn thêm một kỳ họp nữa mới thông qua, tức là sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2019).

Tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (cuối năm 2018), dù đã đồng ý rút ngắn thời gian thảo luận từ một ngày xuống nửa ngày song phiên thảo luận về dự án luật này vẫn có đến 63 đại biểu đăng ký phát biểu. Và những băn khoăn vẫn trải dài từ triết lý giáo dục cho đến chương trình thực nghiệm và nhiều vấn đề cụ thể khác của tất cả các cấp học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ sẽ chủ động việc lấy ý kiến nhân dân trong khoảng tháng 1/2019, sau đó có báo cáo tổng hợp để gửi và báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội.

Đầu tháng 1/2019, Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Vụ Pháp chế của Bộ đã tổng hợp góp ý từ các Sở Giáo dục và Đào tạo về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo tổng hợp này, đã có 51 sở có ý kiến với số lượng 790.868 phiếu. Tham gia góp ý vào 31 nội dung được lấy ý kiến gồm cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhà giáo, cha mẹ học sinh và người học. Số lượng đồng ý với từng nội dung tỷ lệ thấp nhất là 96,5%.

Theo đó, tỷ lệ đồng ý với quy định về học phí, không thu học phí, cơ chế thu học phí tại điều 97 là 99,5%.

Khoản 1 điều 97 dự thảo luật quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ, chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định. Đồng thời tại khoản 3 điều này xác định chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định, phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.

Khi thảo luận tại Quốc hội, một số vị đại biểu phân tích, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của nhân dân đóng góp, theo lộ trình dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không. Nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến.

Quy định về tiền lương của nhà giáo cũng được đến 94,3 ý kiến đồng tình song theo một số vị đại biểu Quốc hội thì quy định này có bước thụt lùi so với luật hiện hành.

Ý kiến thiếu định lượng để bảo đảm độ tin cậy

Cần điều chỉnh hình thức lấy ý kiến người dân về luật Giáo dục sửa đổi - 1

Cơ quan thẩm tra dự luật Giáo dục (sửa đổi) họp mở rộng về dự án luật

Ngày 15/2, UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng cũng đã tổ chức phiên họp Thường trực UB mở rộng về luật này. Về báo cáo kết quả lấy ý kiến người dân của Chính phủ, Thường trực cơ quan thẩm tra nhận định, các ý kiến góp ý của Nhân dân được tổng hợp trong báo cáo nhìn chung không có ý kiến mới so với nội dung Dự thảo Luật. Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số các đối tượng chịu sự tác động (đội ngũ nhà giáo, gia đình người học), việc tổng hợp, tiếp thu chủ yếu hướng tới sự đồng thuận với quan điểm trình của Chính phủ.

Để Luật Giáo dục (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các uỷ viên UB Văn hoá, Giáo dục cho rằng, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho tất cả các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành giáo dục, nhất là ý kiến của những người sử dụng sản phẩm của giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá, việc tổng hợp, phân tích ý kiến chưa dựa trên số liệu thống kê (bao nhiêu % ý kiến đồng ý, % không đồng ý), chủ yếu là định tính; thiếu các nhận định ở dạng định lượng để bảo đảm độ tin cậy.

Ngoài ra, theo cơ quan thẩm tra, các ý kiến góp ý khác với quy định Dự thảo Luật như đề nghị quy định cụ thể về phân luồng, liên thông, khung trình độ quốc gia Việt Nam; không đồng ý nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học; đề nghị bổ sung tỷ lệ % phụ cấp cho nhà giáo; đề nghị bỏ mô hình trường chuyên; không đồng ý mỗi môn học có một số sách giáo khoa … chưa có giải trình về lý do không tiếp thu. Các ý kiến khác nhau hoặc không đồng tình với quy định của Dự thảo Luật chưa được phân tích, giải trình thỏa đáng, tính thuyết phục chưa cao; đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách nhà giáo, đầu tư tài chính cho giáo dục...

Do vậy, đối với một số vấn đề phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn sâu như quy định về tiền lương nhà giáo, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, đầu tư tài chính cho giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục... Thường trực UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng nhấn mạnh, cần có hình thức lấy ý kiến phù hợp hơn, có tính chuyên môn cao hơn để bảo đảm tính khoa học và khả thi cho việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định của luật.

P.Thảo