Bộ trưởng Nội vụ:
Cần có giải pháp cho tình trạng công chức nghỉ việc, sợ sai
(Dân trí) - Bộ trưởng Nội vụ cho rằng còn nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi nghiên cứu sâu, có giải pháp căn cơ như tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc, né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm.
Chiều 20/12, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định toàn ngành đã nỗ lực, không ngừng đổi mới, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng.
Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm sự liên thông, thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước.
Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức hành chính bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiếp tục đổi mới sắp xếp tinh gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, năm nay đã cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức. Xây dựng được cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ.
Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương.
Lĩnh vực thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào thực chất. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng từ ngày 1/1/2024; kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo.
"Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết liệt, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành nội vụ", Bộ trưởng Trà thông tin.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nữ Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực của ngành.
"Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ như: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm. Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế", Bộ trưởng nêu thực tế.
Theo bà Trà, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành nội vụ rất nặng nề. Vì thế, ngành nội vụ phải thực hiện rất nhiều giải pháp để thể chế hóa kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với ngành.
17.808 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đã bị kỷ luật
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, năm nay có 17.808 cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đã bị kỷ luật; số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 10.880 người (trong đó trung ương 983 người và địa phương 9.897 người).
Bộ Nội vụ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương của Đảng về kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 42.115 công chức, viên chức (trung ương 1.293 người và địa phương 40.822 người).
"Các địa phương đã quan tâm, chú trọng thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc. Một số địa phương tiếp tục thí điểm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng, như Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng…", Bộ Nội vụ cho hay.
Đến tháng 12, 100% bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu gần 2,5 triệu hồ sơ cán bộ công chức, viên chức kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.