Cận cảnh tàu buýt đầu tiên của Sài Gòn vừa hạ thủy
(Dân trí) - Tàu có sức chứa 75 hành khách, được trang bị máy điều hòa, áo phao, thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn…nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách.
Sáng 21/8, tại bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án Tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy - Saigon Waterbus) đã tổ chức lễ hạ thủy vận hành kỹ thuật tàu buýt tuyến số 1 (bến Bạch Đằng – bến Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM).
Lãnh đạo sở GTVT, sở Du lịch TPHCM, UBND quận 7 và các đơn vị có liên quan đã đến tham dự buổi lễ quan trọng này.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật cho biết, dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TPHCM nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thu hút và khuyến khích nâng cao thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đặc biệt là phát triển lĩnh vực vận tải hành khách đường thủy, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố.
“Dự án trong giai đoạn đầu sẽ có 2 tuyến. Tuyến số 1 dài 10,8km từ bến Bạch Đằng, quận 1 đến bến Linh Đông, quận Thủ Đức. Tuyến số 2 cũng xuất phát từ bến Bạch Đằng đến bến Lò Gốm (quận 6) với chiều dài khoảng 10,3km và sáng nay, Công ty Thường Nhật tiến hành hạ thủy vận hành kỹ thuật tàu buýt thuộc tuyến số 1”, ông Toản thông tin.
Tuyến số 1 có tất cả 9 bến, ngoài 2 bến đầu và cuối (bến Bạch Đằng và bến Linh Đông), các bến còn lại gồm: Bến Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh), bến Bình An, Thảo Điền (quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức).
Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong tuyến số 1 sẽ bổ sung thêm 3 bến là bến Thủ Thiêm (quận 2), bến Tân Cảng (quận Bình Thạnh) và bến Trường Thọ (quận Thủ Đức). Toàn tuyến có 5 tàu buýt, trong đó có 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị.
Theo Giám đốc Công ty Thường Nhật, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và áp lực tiến độ, tuy nhiên với mong muốn được sớm đồng hành cùng người dân nên chủ đầu tư đã hoàn thành nhiều hạng mục cơ bản và tiến hành hạ thủy vận hành kỹ thuật để sớm đưa dự án vào phục vụ người dân.
Tàu có sức chứa 75 hành khách, được trang bị máy điều hòa, áo phao, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách. Công ty Thường Nhật cam kết về sự an toàn kỹ thuật, tính toán tương thích với điều kiện thời tiết ở miền Nam và thời gian chạy thử nghiệm trong 30 ngày.
Khi đưa vào khai thác, tuyến số 1 nói trên chỉ mất khoảng 30 phút (tính cả thời gian đón trả khách) là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Giá vé dự kiến là 15 nghìn đồng/lượt.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết rất hy vọng loại hình giao thông mới này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, giám đốc sở GTVT cũng chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phải tuyệt đối đảm bào an toàn, kỹ thuật, đẩy nhanh các hạng mục còn lại của dự án để đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Một số hình ảnh lễ hạ thủy kỹ thuật tàu buýt đầu tiên ở TPHCM:
Đăng Lê