Hà Tĩnh:
Cận cảnh những dòng nước thải chảy "vô tội vạ" ra biển
(Dân trí) - Khu vực bờ biển Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang dần trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân. Tình trạng này đang đe dọa nghiêm trọng du lịch biển tại đây.
Nhiều năm qua, người dân tại xã Thạch Kim đã hình thành thói quen xả nước thải vô tội vạ ra môi trường biển. Mỗi ngày, những mét khối nước thải sinh hoạt không được xử lý nhưng vẫn được xả trực tiếp ra môi trường thông qua hệ thống mương dẫn ra các cống thoát nước. Sau đó, lượng nước thải này được tập kết ngay trên khu vực bờ biển Thạch Kim tạo thành những ao tù nước đọng trên cát.
Tại những ao tù này, nước thải bẩn lâu ngày ứ đọng tạo váng đen, bốc mùi hôi thối. Không chỉ nước thải mà vô số rác thải từ bao bì, chai nhựa… cũng được tập kết tại đây.
Tuy nhiên, vẫn chưa hết, bởi mỗi ngày bãi tập kết này còn nhận hàng nghìn mét khối nước thải từ các cơ sở chế biến thủy sản, kho đông lạnh…
Qua tìm hiểu của PV, tại xã Thạch Kim hiện có hơn 15 kho đông lạnh và nhiều cơ sở chế biển thủy hải sản đang hoạt động trong khu dân cư. Nước thải từ những khu vực này cũng “theo lộ trình” như nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra những bờ biển.
Điển hình như tại thôn Long Hải nằm trên đoạn đường tỉnh lộ 9 kéo dài. Tại đây, có 1 bến xe cá của HTX Hùng Mạnh và toàn bộ 7 kho đông lạnh trong khu dân cư đều đang hoạt động tại đây. Theo ghi nhận, mỗi ngày tại bến cá này có hàng trăm phương tiện từ nhiều nơi đến đây để mua bán. Nước thải từ các xe chở cá được đổ tràn ra đường và đổ thẳng xuống các mương nước xả thẳng ra bờ biển.
Được biết những bãi tập kết nước thải trên bờ biển này vừa mới hình thành được một vài năm kể từ khi khởi công xây dựng bờ kè chắn sóng.
“Trước đây, nước thải vẫn xả thẳng ra biển nhưng khi xây dựng kè chắn sóng người ta đào đất ngăn cho nước mặn vào khiến nước thải bị ứ lại, bốc mùi hôi thối. Mỗi khi trời trở gió phải đóng kín cửa, nhất là những ngày trời trở gió mùi hôi theo hướng gió bay vào rất khó chịu”, anh Nguyễn Văn Phương (thôn Long Hải) cho hay.
Chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Long Hải) bức xúc: “Biết là ô nhiễm, người hứng chịu cũng là chúng tôi nhưng không xả ra đây thì chúng tôi xả vào đâu trong khi đất thì chật, người thì đông?”.
Theo ông Biện Ngọc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim - việc xử lý nước thải là một trong những bài toán khó của địa phương. Hiện nay, toàn xã có hơn 11 nghìn nhân khẩu nhưng diện tích đất ở lại chưa đến 1km2.
“Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Hiện nay trên địa bàn xã chỉ có hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp Thạch Kim nhưng hệ thống này chỉ xử lý nước thải cho khu vực cụm”, ông Cường chia sẻ.
Cũng theo ông Cường, trước đây nước thải chủ yếu chảy ra hố đào sẵn rồi thấm xuống lòng đất, sau một thời gian lòng đất không thể thấm nổi dẫn đến tình trạng quá tải. Những năm qua, địa phương cũng tập trung mọi nguồn lực làm hệ thống giao thông gắn với làm đường và mương thoát nước nhưng vẫn chưa có tính đồng bộ.
“Chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, khảo sát tháo gỡ khó khăn này cùng địa phương. Việc không có hệ thống xử lý nước thải, không chỉ gây ô nhiễm đến đời sống của người dân mà ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường biển. Nhất là ngành du lịch biển, khi khu vực này chỉ cách bãi biển du lịch Xuân Hải chưa đến 500m”, ông Cường trăn trở.
Phượng Vũ - Tiến Hiệp