Bạc Liêu:
Cận cảnh ngôi tháp cổ hơn 1.000 năm tuổi
(Dân trí) - Hơn 1.000 năm qua, một ngôi tháp cổ ở tỉnh Bạc Liêu dù ít nhiều đã có sự xuống cấp nhưng vẫn đứng vững giữa khuôn viên rộng lớn. Xung quanh sự hình thành ngôi tháp này vẫn còn nhiều điều chưa lý giải hết.
Ngôi tháp cổ này tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, được phát hiện vào năm 1911.
Hiện trạng của tháp cổ có chiều cao khoảng 8,2m (không tính đỉnh tháp vì đã bị sập), chân tháp hình chữ nhật có kích cỡ 5,6mx6,9m, mặt tháp quay về hướng Tây. Toàn bộ ngôi tháp được xây dựng bằng gạch, phần dưới lớn và nhỏ dần ở phía trên, cả 3 vách dính lại tạo thành hình vòng cung. Nhìn chung, tháp không có nhiều hoa văn, kiến trúc cũng khá đơn giản.
Tháp cổ Vĩnh Hưng được cho là một trong những kiến trúc của nền văn hóa Óc-eo còn sót lại ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, tháp thuộc nền văn hóa Ăng Ko của người Khmer. Thời gian qua, các nhà khảo cổ khi khai quật tại đây đã phát hiện nhiều hiện vật như tượng đá, đồng…có liên quan đến sự hình thành, tồn tại của của tháp cổ từ thế kỷ IV – XIII sau công nguyên.
Với những chứng tích có giá trị của một nền văn hóa lâu đời, tháp cổ đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1992.
Trước mặt tháp cổ có một ngôi chùa cũng đã tồn tại cả trăm năm qua. Theo sư trụ trì chùa cho biết, cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác tại sao lại có ngôi chùa ở khu vực tháp cổ. Cũng theo sư trụ trì, ngôi tháp cổ có tuổi thọ chừng 1.400 năm. Hiện nay ngành chức năng Bạc Liêu vẫn đang tích cực nghiên cứu, sưu tập về lịch sử hình thành của ngôi tháp.
Mỗi năm vào ngày 15/10 âm lịch, rất đông phật tử và người dân từ khắp nơi về khấn viếng chùa và di tích tháp cổ như thể hiện một văn hóa tâm linh lâu đời.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tháp cổ Vĩnh Hưng hiện có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Phần phía trên đỉnh có dấu hiệu bị bung ra nên ngành chức năng tạm thời kiềng lại để giữ ổn định cho tháp. Tuy nhiên, nếu không có phương án tôn tạo kịp thời, về lâu dài ngôi tháp có nguy cơ hư hại hơn.
Nhìn chung tháp có kiến trúc khá đơn giản.
Ngôi chùa (được gọi là chùa Tháp) trong khuôn viên tháp cũng cả trăm năm tuổi. Hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch, rất đông người dân đến đây cúng viếng.
Ngôi tháp đã được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên hiện di tích này đang có dấu hiệu xuống cấp nên cần được tôn tạo bảo tồn. (Ảnh: Huỳnh Hải).
Huỳnh Hải