1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cận cảnh điêu tàn trong rừng thiêng Yên Tử

Lên non thiêng Yên Tử bây giờ chỉ mất vài phút ngồi trong cabin cáp treo. Song để tìm hiểu xứ sở có lịch sử phát triển Phật giáo tới 700 năm này, tôi vẫn chọn cách cuốc bộ trong rừng, để chiêm ngưỡng và giật mình trước những bí ẩn thiêng liêng mà người xưa để lại...

Tìm nơi vua hóa

 

Qua sự giới thiệu của ông Lê Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích - Danh thắng Yên Tử, tôi kiếm được một người dẫn đường, một lâm tặc giải nghệ người bản địa, tên là Phong. Anh Phong cùng với đám lâm tặc bên xã Lục Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang là những người đầu tiên phát hiện ra những ngôi chùa, mái am, bia đá, voi ngựa đá và hệ thống tháp mộ đá kỳ lạ của sườn tây dãy Yên Tử một cách tình cờ, sau khi đã cạp phẳng một số khu rừng.

 

Đi bộ trong rừng già, chúng tôi nghe rõ dần tiếng ào ào của thác nước. Anh Phong bảo thác có tên Ngự Dội (vua thường ra tắm nên gọi vậy). Đường đến tháp rợp bóng tùng. Những cây tùng vua Trần Nhân Tông trồng cách đây trên 700 năm vẫn im lìm vững chãi rợp bóng thời gian.

 

Vượt qua thác, chúng tôi leo lên những bậc đá rêu phong mà tôi đồ rằng, những bậc đá đó do chính ông vua từng làm quân Nguyên Mông khiếp đảm xếp nên. Lên triền núi, chúng tôi giẫm lên một am bằng đá ghép. Xung quanh nền am vẫn còn những chân tường đá. Quanh am là rừng trúc bạt ngàn, trúc ken đặc đến nỗi tưởng như con chim khó có thể đậu xuống đất được. Trúc lách qua cả những kê đá nền am.

 

Các nhà khoa học vẫn còn tranh luận gay gắt quanh phế tích này. Một số ý kiến cho rằng đây chính là am Thiền Định. Số khác lại cho rằng đây là am Ngọa Vân, nơi nhà vua Trần Nhân Tông, sau nhiều ngày ăn và uống nước lã đã nằm theo thế sư tử tọa rồi hóa. Khi các môn đồ phát hiện ra thì măng trúc đã mọc xuyên qua cả đùi ngài.

 

Nhiều nhà khoa học đã về đây nghiên cứu, song vẫn chưa tìm ra lời giải thích.

 

Tiếp tục xuyên rừng về hướng Tây. Đến khi mặt trời đã đổ bóng, khi đôi chân đi rừng đã rã rời thì bất ngờ một thung lũng hữu tình với những tháp mộ vòi vọi cổ kính hiện ra. Tôi thực sự sửng sốt. Cả một rừng mơ như trong cổ tích. Những quả mơ bằng quả xoan, mới ăn thì chát xít, nhưng ăn hết lại thấy mát lạnh ở họng, khiến cảm giác khát cháy tan biến đâu mất.

 

Khung cảnh tĩnh lặng của núi rừng lúc chiều xuống khiến không gian thêm đậm chất thiền. Những voi đá, ngựa đá, con bị lật đổ, con bị vỡ, con vẫn còn uy nghi đứng chầu trước mộ tháp, canh giữ tro cốt lưu trữ trong tháp của người tu hành. Những hàng chân cột bằng đá như những chiếc thớt xếp thẳng tắp, gợi sự liên tưởng về những đại công trình tráng lệ một thời.

 

Trong một am nhỏ ẩn hiện trên sườn núi, sư thầy Thích Thanh Tiến đang ngồi trên manh chiếu cũ thiền định, tiếp bước con đường hành đạo của lớp người từ 700 năm trước. Thầy Tiến trụ trì ở am Ngọa Vân - nơi mà theo thầy, vị tổ thứ nhất của Trúc Lâm thiền phái đã trốn tránh sự thăm viếng của vua quan, để rồi lặng lẽ viên tịch vào năm 1308.

 

Mặc dù còn nhiều tranh cãi về nơi viên tịch của thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhưng theo chính sử, ngài đã hóa ở chùa Ngọa Vân, chính là am Ngọa Vân, nơi sườn tây Yên Tử, thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều, Quảng Ninh.

 

Đau lòng phế tích

 

Ngoài sư thầy Thích Thanh Tiến, ngôi chùa này còn có chú tiểu Hà và một người đàn ông mặc áo nâu sồng theo hầu cửa Phật tên Dân. Ông Dân đang hái quả và lá vả, một loại cây cùng họ với sung để nấu bữa cơm chiều. Vậy là chiều hôm đó, chúng tôi được ăn một món mà cõi tục khó lòng tưởng tượng. Nó vừa đắng, vừa chát, cứ dính lấy cuống họng không nuốt nổi. Vậy mà thứ cây hoang đó đã nuôi sống ba thầy trò trong nhiều năm nay. Suốt 10 năm qua, đều đặn từng ngày, cứ 4 giờ sáng, thầy Tiến đã thỉnh chuông gõ mõ. Ngày thầy chỉ ăn một bữa, còn lại là lên am thiền, cái am còn nguyên vẹn nhất.

 

Cách Ngọa Vân am không xa, qua cánh rừng trúc, chúng tôi gặp một rừng thông với những thân cây khổng lồ, cao vút. Dưới tán thông là vườn mộ tháp rộng mênh mông, với cả trăm mộ tháp hoang phế, cái nghiêng ngả, cái đổ chỏng chơ, cái vỡ toang hoác bởi đám tìm kiếm cổ vật đào bới, đánh bộc phá.

 

Cả vườn mộ tháp bị đào bới tan tành, rồi cỏ mọc vây kín. Trông cảnh ấy mà đau đớn cho những hành động phi văn hóa đến khó tưởng của người đời. Và có lẽ một phần trách nhiệm cũng thuộc về các cơ quan chức năng vì sự thờ ơ của họ.

 

Cũng suốt 10 năm nay, thầy Tiến cùng học trò của mình nhặt từng mảnh vỡ để dựng lại am, chùa, ghép lại bia vỡ, gom từng mảnh vỡ tượng đá vào góc chùa chờ ngày có kinh phí trùng tu. Khi am, chùa được tu sửa, có chỗ chui ra chui vào thì cũng là lúc lâm tặc, người lấy thuốc, thậm chí cả đám tội phạm trốn truy nã tìm về tá túc.

 

Núi rừng của trời, am thất của tổ phái Thiền Trúc Lâm và nhà chùa mở lòng đón tất cả. Thầy vẫn phải hái lá vả, quả vả nấu cơm cho họ ăn khi họ lỡ độ đường và canh chừng đôi mắt hau háu của họ nhìn những cây thông cổ thụ còn sót lại trong vườn mộ tháp.

 

Vậy mà mới đây, chính những kẻ từng được thầy che chở đã đặt mìn giật đổ một cái tháp đá xanh nguyên khối vì chúng nghi trong tháp có vàng bạc, hoặc ít ra cũng là chum, chóe, đồ cổ có giá trị.

 

Theo Dương Thụy Bình

Nông thôn ngày nay