1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cán bộ Hà Nội biến động tài sản 300 triệu đồng trở lên phải kê khai

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Hà Nội yêu cầu các cán bộ, người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên làm ở đơn vị sự nghiệp công lập… kê khai bổ sung nếu có biến động về tài sản giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Nội dung nêu trên thể hiện trong Kế hoạch số 307/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2022, vừa được UBND TP Hà Nội ban hành.

Cán bộ Hà Nội biến động tài sản 300 triệu đồng trở lên phải kê khai - 1

Trụ sở HĐND, UBND TP Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Trường).

Kế hoạch đề ra thời hạn thực hiện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm, kê khai bổ sung phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Kế hoạch được thành phố ban hành nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định.

Theo UBND TP Hà Nội, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong đợt này gồm những người giữ vị trí công tác quy định tại các Khoản 2, Khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và nhóm đối tượng thuộc Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Cụ thể, việc kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai theo Khoản 1, 3 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có biến động về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên (trừ những người thuộc diện kê khai hằng năm).

Việc kê khai hằng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; công chức là kế toán viên, thanh tra viên; những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc kê khai hằng năm cũng áp dụng với các trường hợp là người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại Khoản 1, 3, 4 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; kê khai phục vụ công tác cán bộ, thời điểm kê khai thực hiện theo điểm b, Khoản 1, Khoản 4 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Đối với các trường hợp kê khai lần đầu trong năm, kế hoạch thể hiện nếu rơi vào thời điểm cuối năm thì tùy vào từng vị trí cụ thể sẽ xác định là đối tượng kê khai hằng năm, kê khai bổ sung hoặc không phải kê khai (nếu không thuộc đối tượng kê khai hằng năm, không có biến động về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên).

Khoản 1, 3 Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: Cán bộ, công chức; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai hằng năm gồm các ngạch công chức và chức danh:

1.Chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên; thẩm phán.

Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định này. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm