1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cán bộ, công chức đi học... cho vui

Cán bộ đi học thường là những người ở cơ quan quá nhàn rỗi, thành ra có đi học về cũng chẳng cống hiến được gì nhiều. Trong khi đó, những người cần đào tạo thì lại quá bận rộn, không đủ điều kiện để đi học...

Theo ông Trần Xuân Giá, Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đây là một trong những vấn đề còn tồn tại trong chuyện học hành, đào tạo cán bộ công chức ở ta.

 

Học chỉ để... cho vui

 

Ông Giá nói: “Chuyện học hành của cán bộ công chức ở ta, từ cấp thấp cho đến cao còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Những nhược điểm này trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ học nghiệp vụ chuyên môn cho đến việc tiếp thu tinh thần của các nghị quyết (NQ) Trung ương.

 

Tôi cho rằng tình trạng này thật sự đáng lo ngại, vì thế cần phải phê phán một cách hết sức nghiêm khắc để thay đổi nó”. 

 

Ông vừa nói đến những vấn đề tồn tại, vậy cụ thể là gì?

 

Có nhiều chuyện đấy, tôi chỉ xin ví dụ một vài việc nổi bật thôi. Trước hết về việc đi học của cán bộ hiện nay. Về hình thức thì bây giờ chuyện đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ có vẻ rất được chú trọng.

 

Đa số các cơ quan hàng năm cũng đều có đầu tư, có kế hoạch... cho phần việc này. Nhưng thực tế đang nổi lên một hiện tượng rất không bình thường là có những cán bộ, công chức được đi học một cách liên tục, hết đợt này đến đợt khác.

 

Tuy nhiên, cái tréo ngoe là những người này ở cơ quan rất rảnh rỗi nên mới được bố trí đi học nhiều đến vậy. Thế cho nên mới thu về một kết cục rất hài hước là dù anh đó có nhiều bằng cấp nhưng đóng góp thực sự lại gần như chẳng có gì.

 

Trong khi đó thì cũng ở ngay cơ quan đấy thôi, những người rất cần đào tạo thì lại quá bận rộn, không đủ điều kiện để đi học.

 

Đó là nguyên nhân từ việc sắp xếp trong nội bộ, còn vấn đề gì nữa, thưa ông?

 

Là mục đích của việc học. Ở đây học nhưng không coi trọng việc gắn với công việc thực tế mà chỉ để phục vụ cho những mục đích trước mắt. Tức là học để nâng bậc, nâng ngạch, được vào quy hoạch, để đáp ứng những tiêu chuẩn của cán bộ chứ không phải phục vụ cho yêu cầu công việc.

 

Nhiều người coi đi học như nghĩa vụ, học cũng được mà không học cũng được. Chỉ e không đi thì bị phê bình chứ không cho rằng việc làm này sẽ phục vụ thiết thực cho công việc.

 

Một quyển sách đem đọc cho tất cả 

 

Thưa ông, ở trên ông chủ yếu đề cập những vướng mắc từ phía người đi học, còn từ chính phía tổ chức dạy học thì sao? 

 

Bản thân cách dạy, cách tổ chức dạy cũng tồn tại rất nhiều nhược điểm. Tôi nhắc lại chuyện phổ biến nghị quyết (NQ), học NQ là rất cần nhưng NQ của Đảng muốn đi vào cuộc sống thì phải biến thành cơ chế chính sách, thành văn bản pháp quy.

 

Chúng ta thường để thời gian học NQ tách rời với những vấn đề của từng đối tượng đi học. Một năm thì thường có hai NQ (sau hai lần Trung ương họp) được phổ biến cho cán bộ, và việc này là dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai.

 

Vậy ta thử nhìn trong lớp xem, chẳng có sự phân loại nào cả. Người làm chính sách học chung với người tổ chức triển khai chính sách đó. Một thầy giáo học cùng với một công chức ngành hải quan, hay thu thuế...

 

Thậm chí, việc đi học NQ đại hội Đảng thì những người tham gia soạn thảo NQ cũng phải có mặt để học chính những điều mình viết ra.

 

Còn người đến dạy, có thể không phải là người tham gia xây dựng mà chỉ là một nhân vật có chức sắc trong Đảng. Tất nhiên NQ là sản phẩm của tập thể chứ không của riêng ai, nhưng tôi muốn nhân đó để nói lên cách tổ chức học kiểu này với một số đối tượng là không bổ ích, là lãng phí.

 

Thế nên người ta mới hay nói vui là học NQ cũng tựa như lấy một quyển sách rồi đọc chung chung cho tất cả mọi người nghe.

 

Hậu quả là gì, thưa ông?

 

Là năng lực của cán bộ không theo kịp yêu cầu, khiến cho chất lượng phục vụ dân và doanh nghiệp chưa tốt. Tôi lấy ngay như chuyện kiểm điểm hàng năm chẳng hạn.

 

Việc này trong một phiên họp Chính phủ gần đây có nói đến. Thông thường cứ đến cuối năm công chức sẽ tự kiểm điểm, nhưng không ít người không ghi được là năm đó mình làm được bao nhiêu việc, và việc cụ thể là gì. Chủ yếu chỉ nói là tôi không đi muộn lần nào, hay có tham gia vào chương trình này, tham gia vào đề tài kia.

 

Cái chữ “tham gia” ấy nó mông lung đến mức là chỉ dự một cuộc họp trong cả năm để bàn về việc đó cũng gọi là tham gia. Vậy đấy, tại sao không nói là năm qua tôi có soạn hai văn bản, một được chấp nhận và một không…?

 

Một việc cần làm ngay của cơ quan chức năng? 

 

Theo tôi, Bộ Nội vụ và hệ thống trường sở cần đánh giá, tổng kết cách học, cách bồi dưỡng công chức... để đề ra một hướng hoạt động mới bài bản hơn. Làm sao xây dựng được một nền hành chính thật sự chuyên nghiệp.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Minh Viễn
Tiền Phong