1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cán bộ ban Đảng bị rút gọn sẽ về đâu?

“Hội nghị TƯ 4 nhất trí rút bớt 6 ban của Đảng. Những ban rút bớt này có phần sẽ chuyển sang Chính phủ, có phần chuyển sang Quốc hội và có phần vẫn ở lại bên Đảng...” - Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho biết.

Ông bình luận gì về kết quả đã đạt được ở Hội nghị TƯ 4 vừa mới kết thúc?

 

Nhiều việc quan trọng của bộ máy Đảng, Nhà nước đã được đưa ra bàn tại Hội nghị TƯ 4. Mặc dù lần này chưa bàn được hết song quan điểm chung là phải củng cố, sắp xếp và kiện toàn lại để hoạt động có hiệu quả, tránh cồng kềnh, chồng chéo.

 

Hội nghị TƯ 4 vừa rồi mới làm được bên Đảng. Tháng 3 Quốc hội họp chuẩn bị một bước, tháng 5 bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII. Đến Hội nghị TƯ 5, dự kiến vào khoảng tháng 7, sẽ tiếp tục bàn kiện toàn bộ máy Chính phủ, đảm bảo đồng bộ.

Dứt khoát phải kiện toàn xong 2 bộ máy này ngay trong năm 2007.

 

Vừa rồi Hội nghị TƯ 4 đã nhất trí rút gọn còn 6 ban của Đảng?

 

Thời kỳ hòa bình lập lại năm 1954, khi chúng ta xây dựng CNXH ở miền Bắc, rồi tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thì thực tế lúc đó bên chính quyền có gì thì bên Đảng cũng có các ban tương ứng.

 

Có những lúc Đảng có tới hơn 20 ban chuyên trách, nhưng đã được bớt dần. Đến Đại hội 9 còn 11 ban. Khóa 9 của Đại hội 10 lại bổ sung thêm ban Nghiên cứu chiến lược an ninh là 12. Vừa rồi Hội nghị TƯ 4 đã nhất trí rút lại chỉ còn 6 ban. Làm như thế sẽ tạo được sự tập trung, tránh chồng chéo.

 

Tôi cũng cho rằng chỉ nên giữ lại các ban cứng gồm: Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, Ban Đối ngoại và Văn phòng Trung ương Đảng.

 

Thưa ông, cụ thể Hội nghị TƯ4 đã nhất trí rút bớt những ban nào? Những ban này sẽ được sáp nhập lại hay rút hẳn?

 

Những ban sẽ rút bớt là Ban Khoa giáo, Ban Kinh tế, Ban Nghiên cứu chiến lược an ninh, Ban Nội chính, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ và Ban Tài chính quản trị TƯ.

 

Trong 6 ban này có ban sẽ được sáp nhập và cũng có ban bỏ hẳn. Tuy nhiên việc sáp nhập như thế nào, với ai thì cũng còn phải tính.

 

Ví dụ, như Ban Nghiên cứu chiến lược an ninh thì rút hẳn. Hay như Ban Khoa giáo là cả một vấn đề, có lẽ phải chuyển đến 3-4 nơi. Phần nào thuộc về tư tưởng thì có thể chuyển ngay sang Ban Tuyên giáo. Nhưng có những phần thuộc về mảng xã hội thì có thể chuyển sang Quốc hội hay sang Chính phủ...

 

Như vậy với những ban sẽ rút bớt này sẽ có phần chuyển sang Chính phủ, có phần chuyển sang Quốc hội và có phần vẫn ở lại bên Đảng. Cụ thể như thế nào thì vẫn còn phải tính chứ chưa thể nói ngay được.

 

Thế còn vấn đề nhân sự trong các ban này, theo ông, nên được giải quyết thế nào?

 

Đúng, việc quan trọng nhất là cán bộ. Rồi đây sắp xếp, bố trí như thế nào là cả một vấn đề lớn.

 

Tôi cho rằng người nào đáng tuổi về hưu thì về hưu,  không có gì phải bàn. Nhưng với những người chưa đến tuổi về hưu thì sắp xếp như thế nào? Đấy là vấn đề phụ thuộc vào phương pháp thực hiện.

 

Hội nghị TƯ 4 vừa qua chúng ta đã rất cố gắng. Những gì còn lại chúng ta sẽ nghiên cứu và bàn tiếp tại Hội nghị TƯ 5.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thu Hà

VTCNews