1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cấm mua xe, đi công tác nước ngoài, dành 16.000 tỷ đồng cho biển đảo

(Dân trí) - Ủng hộ chủ trương dành 16.000 tỷ đồng chi cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, đại biểu Quốc hội khuyến cáo nghiêm cấm mua xe công, hạn chế hội họp, giảm thiểu đi nước ngoài và hứa đến hết nhiệm kỳ sẽ không đi nước ngoài nữa…

"Tôi hứa không đi nước ngoài nữa"
 
Bám sát vấn đề Biển Đông, phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 2/6 có cả nội dung bàn về phương án dành 16.000 tỷ đồng cân đối ngân sách TƯ chi cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) kiến nghị, từ sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào đặt hạ trên vùng biển Việt Nam, cần tỉnh táo, không mắc bẫy chủ nghĩa bá quyền của nước ngày để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông. Nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra ở nhiều địa phương vừa qua, khi người dân bị kích động, lợi dụng gây rối, đập phá doanh nghiệp, đại biểu nhấn mạnh đòi hỏi tỉnh táo, có biện pháp tăng cường tiềm lực để giữ vững chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương.

Đại biểu Đỗ Văn Đương.

Đi vào vấn đề hỗ trợ cho ngư dân để đánh bắt xa bờ, ông Đương ủng hộ hoàn toàn việc dành 16.000 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn nữa đề đầu tư cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư làm nhiệm vụ trên biển nhưng trong suốt thời gian qua.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát các dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thực sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân.

Ông Đương khuyến cáo cần nghiêm cấm mua xe công, hạn chế tối đa hội nghị, hội họp, lễ hội, giảm thiểu các đoàn đi nước ngoài. “Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ nếu trời cho sống tôi sẽ không đi nước ngoài nữa” - ông Đương nói.

Đại biểu TPHCM tán thành quan điêm mở rộng chuyển hướng thị trường xuất nhập khẩu để giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc, có chính sách thu hút nguồn lực để khai thác tài nguyên biển đảo, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, vừa bảo vệ ngư trường, vừa đánh bắt hải sản. Các địa phương cũng cần kêu gọi nhân dân không có việc làm, công nhân không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản, để cùng đi ra biển, giống như trước đây kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới ở miền núi vậy.

Đối với ngân hàng, ông Đương gợi ý tăng cường đầu tư cho vay lãi suất thấp hơn, định mức vốn vay phải cao hơn, thời hạn vay phải dài hơn. Việc cho vay này phải trực tiếp đến từng địa chỉ chủ tàu, cấm qua trung gian.

"Các doanh nghiệp hãy bày tỏ lòng yêu nước bằng việc đầu tư kinh doanh, hợp tác làm ăn lâu dài với ngư dân như cung ứng hậu cần, tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển, đóng tàu cổ phần chia lợi nhuận. Chính quyền các địa phương sẽ ưu đãi về vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp, nhưng nghiêm trị hành vi trục lợi của các tổ chức cá nhân" – ông Đương nói.

Một đại biểu khác của TPHCM – ông Trần Du Lịch cũng cho rằng, 16.000 tỷ đồng dành riêng cho biển đảo là chưa đủ và đề nghị cắt phần lớn các khoản chi tiêu thường xuyên như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại...

Ông Lịch phân tích, cắt những khoản này cử tri mới thấy Quốc hội quyết tâm rất mạnh mẽ và không chỉ có 16.000 tỷ đồng để xử lý những vấn đề đặt ra ở biển Đông. Đại biểu so sánh, cử tri phản ánh những chuyến đi lại, tham quan học tập của cán bộ là hình thức mời mọc, “trả nợ miệng với nhau” bằng tiền thuế người dân đóng góp, để thấy sự bất bình của dư luận

Đại biểu nhận định, không có sự kiện giàn khoan tại Biển Đông thì những vấn đề về nợ công, bội chi có thể còn gây bức xúc, khó lường hơn. Vì vậy, ông Lịch tha thiết yêu cầu, nhân sự việc xảy ra, cần làm thật sự mạnh mẽ về vấn đề quản lý tài chính công.

Lấp lỗ hổng kiểm soát an ninh

Trong phiên thảo luận, một số đại biểu khác đặt vấn đề về công tác quản lý, nắm bắt tình hình quốc phòng an ninh của lực lượng chức năng Việt Nam.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích, trong sự việc công nhân ở nhiều tỉnh thành bị kích động, gây rối, đập phá doanh nghiệp, có nguyên nhân từ việc chính quyền sở tại bị động, lúng túng trong giai đoạn đầu. Vấn đề quản lý công nhân tại các khu công nghiệp tập trung theo đó, rõ ràng còn nhiều lỗ hổng.

Thực tế, tại các khu công nghiệp, một số lượng lớn lao động không đăng ký cư trú, trong đó có cả lao động người nước ngoài vào làm việc “chui”. Có những địa phương lượng công nhân lên tới cả chục nghìn người, theo đại biểu, mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý dân cư, quản lý an ninh trật tự theo đơn vị hành chính xã, phường như hiện nay không phù hợp.
Đại biểu Lê Thị Nga.
Đại biểu Lê Thị Nga.

Giải pháp trước mắt, bà Nga đề nghị thành lập thêm tại những khu vực này các đồn công an, xây dựng lực lượng tự vệ của mỗi đơn vị.

Giải pháp căn cơ hơn theo đại biểu là cải thiện đời sống công nhân. Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, đa số công nhân ở khu công nghiệp là lao động phổ thông, xa quê; học vấn, thu nhập thấp; đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện chỗ ở, nơi gửi con nhỏ.... gặp rất nhiều khó khăn. Những bức xúc vì cuộc sống thường ngày, vì cường độ lao động tăng ca, và cả vì những ứng xử chưa hợp lý của một số người sử dụng lao động trong đó có người nước ngoài, của công nhân nước ngoài... tích tụ lâu dài. Các vấn đề xã hội, thậm chí tệ nạn xã hội phát sinh, nhưng chậm được giải quyết đã làm cho họ trở nên dễ bị kích động, lợi dụng.

Vì vậy nâng cao đời sống của gười lao động là yêu cầu tiên quyết để giải quyết tận gốc vấn đề.

Cũng từ đây, đại biểu đặt câu hỏi về công tác tuyên truyền giáo dục tới người lao động, những chỉ dẫn cụ thể về việc cần làm và việc không được làm trong những tình huống như vừa qua đang còn để trống.

Giúp người lao động nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và hậu quả chính trị trong mỗi hành động của mình, theo đại biểu, cũng là trách nhiệm của công đoàn, của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước cần thông tin kịp thời, chính thức về những chủ trương, định hướng để ngowì dân yên tâm, có thái độ và hành động đúng vì mục tiêu chung.

“Trong thời đại thông tin hiện nay, với khoảng 36 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, những khoảng trống về thông tin chính thức về bất kỳ một vấn đề nhạy cảm nào cũng sẽ nhanh chóng được các trang mạng, Facebook lấp đầy và Nhà nước sẽ khó khăn trong định hướng ứng xử cho người dân”- bà Nga phân tích.

Cũng tiếp cận vấn đề ở góc độ này, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lật lại vấn đề, người dân thể hiện tinh thần dân tộc biểu tình phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng nhưng hệ thống chính trị ở một số nơi do chủ quan, không có phương án giải quyết khi lực lượng xấu kích động đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng hình ảnh Việt nam trên toàn thế giới.

Theo ông Sơn, bài học đặt ra sau sự việc đáng tiếc lần này không chỉ dành cho cấp ủy mà cả lực lượng công an phải nhìn nhận lại nghiêm túc trách nhiệm của mình.

P.Thảo