1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Các trường "sốc" khi phải trông trẻ 3 tháng tuổi

(Dân trí) - “Thời bao cấp, tôi đã từng là cô nuôi dạy trẻ từ 2 tháng tuổi. Nhưng để làm được điều đó, chúng tôi đều phải học cách chăm sóc trẻ nhỏ, cách xoa bóp cho chúng, rồi dạy chúng tập lẫy, tập bò…, thậm chí còn phải đi thực tập trong các bệnh viện”.

Chị Nguyễn Thị Bẩy - Người phụ trách giáo viên trường mầm non tư thục Vành Khuyên (phố Vũ Trọng Phụng - Hà Nội) tâm sự như vậy.

Giáo viên trông trẻ phải đi thực tập ở bệnh viện

Vào những năm 70, chị Bẩy được đào tạo với thời gian 3 năm để trở thành giáo viên Cô nuôi dạy trẻ (có nghĩa là thuần tuý chỉ dạy lớp nhà trẻ). Vì thời đó, người ta tách khối nhà trẻ và mẫu giáo riêng (Trong đó, khối nhà trẻ trông trẻ từ 2 tháng tuổi đến 3 tuổi, còn mẫu giáo trông từ 3 tuổi trở lên) nên việc đào tạo giáo viên giữa nhà trẻ và mẫu giáo cũng rất khác biệt.

Nhưng đó cũng chính là lý do vì sao các nhà trẻ đều rất sẵn sàng khi nhận trẻ từ 2 tháng tuổi. “Thời bao cấp, cái gì cũng thiếu thốn. Chẳng hạn như trẻ chỉ được đóng bằng tã xô chứ không phải bỉm như bây giờ. Sữa cũng không được tốt. Nhưng bù lại, các giáo viên được học rất kỹ lưỡng về cách chăm sóc trẻ ngay từ lúc 2-3 tháng, được tìm hiểu về các bệnh của trẻ nhỏ cũng như các phương pháp chăm sóc khi trẻ bị bệnh. Thậm chí chúng tôi còn được thực tập 3 tháng tại bệnh viện Xanh Pôn để có kinh nghiệm trong vấn đề này.” - Chị Bẩy cho biết.

Rồi chị kể: Ở trường chị hồi đó, với nhóm trẻ dưới 1 tuổi, một cô trông khoảng 5 cháu. Khi các cô giáo bước vào lớp đều phải ăn mặc giống như những y tá trong bệnh viện, phải đội mũ để tóc không bị xoã xuống mặt, không được để móng tay dài sợ làm xước da của các cháu.

Trẻ dưới 1 tuổi đều phải nằm trong cũi. Đối với những cháu mới 2,3 tháng tuổi, thì thường xuyên được các cô xoa bóp. Những đứa lớn hơn thì các cô tạo điều kiện cho chúng tập lẫy, bò, đi. Những khi trẻ bị ốm hay bị bệnh, các cháu được đưa xuống phòng dành riêng cho trẻ đang bị mệt với chế độ chăm sóc đặc biệt…

Sau đó, khoảng những năm 1988, 1989 nhà nước lại có quy định sát nhập hai khối nhà trẻ và mẫu giáo thành một và gọi là khối mầm non. Và cũng kể từ khi sát nhập, lứa tuổi nhận học sinh của lớp nhà trẻ ngày càng lớn hơn. Giờ thì thông thường các trường mầm non chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên.

Không được học, làm sao trông được trẻ?

Có một thực tế là hiện nay, các chương trình đào tạo khối mầm non trong các trường hầu như không chú ý đến việc chăm sóc, dạy dỗ với trẻ từ 2, 3 tháng, nếu không nói là không có trong chương trình. Điều này cũng có một phần do lứa tuổi gửi trẻ ở các trường lâu nay vẫn chỉ nhận từ 18 tháng tuổi trở lên. Do đó, nếu có được dạy thì các giáo viên cũng đều không có chỗ để vận dụng.

Trong khi các trường đào tạo khối mầm non không dạy cách chăm sóc trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi thì mới đây, bộ GD-ĐT lại “đột ngột” ra văn bản Điều lệ trường mầm non, trong đó quy định các trường có nhiệm vụ tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.

Theo Bà Ngô Thị Hợp, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục mầm non, quy định các trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi xuất phát từ nhu cầu thực tế. Nghĩa là các bà mẹ chỉ được nghỉ sinh con 4 tháng. Do có quyền nghỉ 1 tháng trước sinh nên nhiều bà mẹ phải đi làm trở lại khi con mới 3 tháng tuổi.

Quy định này cho dù đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều bà mẹ nhưng đã thực sự khiến các trường bị “sốc”. Vấn đề cơ sở vật chất chỉ là một phần mà quan trọng nhất là kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc trẻ ở lứa tuổi này. Các cô giáo mới ra trường thì chưa được học và cũng chưa có kinh nghiệm làm mẹ. Còn cô giáo dạy trẻ ở thời bao cấp thì đã về hưu cả rồi!

Bản thân bà Hợp cũng thừa nhận việc hầu hết các trường mầm non hiện nay chưa đủ khả năng về cơ sở vật chất và giáo viên để mở lớp cho trẻ 3 tháng tuổi. Về phía các trường thì với thực tế hiện nay, việc từ chối nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi là đương nhiên vì sợ mất an toàn, chi phí cao.

Mặt khác, nếu các giáo viên không được đào tạo một cách bài bản trong việc chăm sóc trẻ ở lứa tuổi quá nhỏ như vậy, các bậc phụ huynh cũng khó yên tâm khi gửi con tới trường.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm