1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Các nhà khoa học “mổ xẻ” hiện trạng cầu Văn Thánh 2

Sáng 8/4, đoàn công tác của Bộ GTVT cùng với Sở GTCC TPHCM đã có buổi lắng nghe các nhà khoa học phân tích và nêu rõ nguyên nhân gây nên sự cố liên tiếp ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, đặc biệt là các hạng mục ở cầu Văn Thánh 2 và các phương án sửa chữa triệt để.

Cầu hỏng vì đốt cháy giai đoạn

Theo Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu gây hư hỏng cầu Văn Thánh 2 là do chủ đầu tư yêu cầu thông xe gấp nên công đoạn đắp gia tải và thời hạn chờ lún nền đường sau mố cầu đã bị rút ngắn, đáng lẽ là trên 8 tháng nhưng cuối cùng chỉ là 3 tháng.

Khi có chủ trương đốt cháy giai đoạn như trên, đơn vị tư vấn giám sát đã không đưa ra những khuyến cáo kịp thời đối với chủ đầu tư. Còn đơn vị tư vấn thiết kế chưa thực hiện tốt việc giám sát khi chủ đầu tư quyết định đốt cháy giai đoạn gia tải, chờ lún trên.

 

Theo tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, Đại học bách khoa TPHCM, sau các lần sửa chữa, đến nay cầu Văn Thánh 2 đã được khai thác bình thường, nhưng rất cần có sự đánh giá đúng đắn, khách quan hiệu quả kỹ thuật của các biện pháp sửa chữa.

 

"Nền đường vẫn tiếp tục lún, do đó những tác động tiêu cực đến cầu vẫn xảy ra. Cần theo dõi cầu thường xuyên và chặt chẽ để có thể định đúng "bệnh" của các sự cố và đưa ra "thuốc trị" hữu hiệu"- tiến sĩ Hòa nói.

 

Theo tiến sĩ Trần Thanh Phương, Đại học Bách khoa TPHCM, việc rút ngắn thời gian gia tải và chờ lún đã gây ra những biến đổi khác thường nền địa chất của công trình và khu vực xung quanh. Tiến sĩ Phương cho rằng, sau hơn ba năm đưa cầu, đường vào sử dụng cần phải có những đánh giá về tốc độ lún vừa qua và đưa ra nhận định về thời gian tiếp tục lún sắp tới là bao lâu, hai năm hay ba năm nữa.

 

"Xác định được thời gian lún tiếp theo dù là tương đối nhưng nó sẽ giúp chúng ta đưa ra những phương án đề phòng sự cố và sửa chữa đạt hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế" - tiến sĩ Phương nói. 

 

Theo ông Nguyễn Việt Sơn, Phó giám đốc Sở GTCC, việc thực hiện quan trắc thường xuyên công trình như đề xuất của các nhà khoa học là rất cần. Nhưng nên mở rộng hơn phạm vi quan trắc ra khu vực nhà dân quanh khu vực cầu, đường, hầm chui. Vì các công trình này và nhà dân cùng nằm trên một nền địa chất và có sự ảnh hưởng, tác động qua lại rất lớn.

 

"Cầu, đường, hầm chui lún và nhà dân cũng lún là minh chứng về sự tác động đó. Do đó, rất cần quan trắc trên diện rộng để có những cảnh báo thích hợp cho sự an toàn của các công trình cũng như nhà cửa, sinh mạng của người dân trong khu vực"- ông Sơn khẳng định.

Hầm chui hỏng vì thiết kế sai lầm nghiêm trọng

Hai hầm chui Văn Thánh nằm cách mố cầu Văn Thánh 2 gần 20 mét về mỗi phía. Đây là hạng mục bổ sung của cầu Văn Thánh 2 được phê duyệt thiết kế kỹ thuật giữa tháng 8/2001 và triển khai thi công đến tháng 1/2002 thì xong.

 

Theo tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, việc thiết kế đặt hầm chui trên dàn cừ tràm là một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. Vì lẽ trên vùng đất yếu và ngay dưới nền khu vực cầu và hầm là một túi bùn lớn, nằm sâu dưới đất hơn 30 mét. Việc đóng cừ tràm dài khoảng 4-5 mét xuống khu vực này chẳng khác nào người lơ lửng chân không đạp đất, đầu không đội trời. Toàn bộ dàn cừ đóng xuống như thế vô tác dụng, làm cho hầm bị lún ngay sau khi xây dựng xong là tất yếu.

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông cho rằng việc để dân xây dựng nhà vi phạm hành lang an toàn cầu, đường là trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng. Hoặc nếu những ngôi nhà này xây không phép thì trách nhiệm của cơ quan quản lý đô thị đến đâu.

 

Theo ông Long, ba năm sau ngày sửa chữa đến nay, hầm chui đang được khai thác bình thường. Tuy nhiên, ông cảnh báo, tại hầm chui phía quận 1 hiện nay các đốt hầm đã bị xê dịch, lệch nhau tới 4 cm.

 

Một vấn đề được các nhà khoa học cũng như nhà quản lý quan tâm mổ xẻ là việc sửa chữa hầm chui vào năm 2003 theo phương án nhanh, tiết kiệm. Theo các nhà khoa học việc chỉ sửa hầm chui, không sửa các hạng mục khác như đường nối từ hầm chui đến cầu chính và các bản quá độ tiếp xúc với thành hầm chui là cách sửa chữa... vặt, theo món. Hệ quả kéo theo là thủng bản quá độ ngày 15/3 vừa qua.

 

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nguyễn Ngọc Long, việc chọn phương án sửa chữa nhanh và ít tốn kém là do hoàn cảnh ngân sách thành phố bị hạn chế. "Nếu sửa hầm chui và các hạng mục khác theo bài bản thì phải mất hơn 40 tỷ đồng thay vì chỉ mất khoảng 2 tỷ đồng" - ông Long cho biết như vậy.

Cần sự cảm thông với lịch sử

Tại cuộc họp, các hạng mục khác như bản quá độ bị tuột, thủng; đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều đọan bị ngập khi triều cường, tường vách ngăn bị nứt và nghiêng... đã được các nhà khoa học mổ xẻ phân tích cặn kẽ. Phương án xây dựng cầu cạn nối giữa hầm chui với cầu chính cũng được đưa ra.

 

Theo Cục trưởng Long, đến nay độ lún của nền đất ở công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh và các hạng mục khác có nơi đã đạt đến 85%. Độ lún những nơi còn lại có những diễn biến chưa thể đoán định chính xác được, do đó việc quan trắc, theo dõi thường xuyên trên toàn tuyến là cần thiết.

 

Theo ông Trần Quang Phượng việc đưa đường Nguyễn Hữu Cảnh và các công trình trên tuyến vào sử dụng sớm hơn quy trình kỹ thuật quy định đã góp phần giải quyết ách tắc giao thông cho khu vực cửa ngõ phía đông thành phố. Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 60.000 xe tải hạng nặng đi trên tuyến đường này để vận chuyển hàng đi về khu vực cảng Sài Gòn. Hiệu quả kinh tế, giao thông đô thị của tuyến đường này đã rõ.  

 

Còn tiến sĩ, Cục trưởng Long thì cho rằng cần một sự cảm thông với lịch sử xây dựng và đưa vào sử dụng con đường sớm hơn quy định. "Suất đầu tư cho một km đường, cầu ở Nguyễn Hữu Cảnh chưa đến 40 tỷ đồng. Trong khi từ năm 2002, tình trạng ùn tắc ở khu vực Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng... đã giảm rõ rệt" - ông Long nói.

 

Đồng cảm với ý kiến của ông Long, nhiều nhà khoa học cho rằng việc mổ xẻ các khuyết tật trên tuyến Nguyễn Hữu Cảnh không nhằm "truy" trách nhiệm của ai, bên nào. Mà từ sự mổ xẻ này để các nhà khoa học, cũng như các nhà quản lý có thêm kinh nghiệm, biện pháp ứng sử đúng trước những công trình có tính phức tạp về kỹ thuật và yêu cầu cao về giải quyết ách tắc giao thông trong thời gian nhanh nhất.

 

Nhiều nhà khoa học cho rằng họ sẵn sàng hiến kế để khắc phục, sửa chữa các khuyết tật trên tuyến đường quan trọng này của TP. Theo ông Trần Quang Phượng, tất cả các phương án sửa chữa tuyến đường, cầu sẽ được tập hợp và chọn lực ra giải pháp tối ưu về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế.

 

"Chúng tôi sẵn sàng chung tay với các nhà quản lý bằng tất cả cái tâm trong sáng của mình. Các phương án của chúng tôi là tham gia chứ không phải dự thi. Dự thi là Nhà nước phải bỏ tiền thiết kế phí!"- tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang nói.

Công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công xây dựng năm 1997 và đến đầu năm 2002 thì hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Chỉ vài tháng sau, tại công trình này xuất hiện các sự cố liên tiếp mà mở đầu là vụ lún hầm chui hồi tháng 4/2002.

 

Tiếp đến là vụ hàng loạt hạng mục kỹ thuật bị hư hỏng và được phát hiện từ cuối năm 2004, đầu 2005 (hư hỏng đầu dầm, gối cầu, tường che nền đường đầu cầu và hàng loạt hạng mục trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu vượt).

 

Đến cuối năm 2005, trên mặt cầu Văn Thánh bị thủng lỗ lớn và buộc phải sửa chữa cầu trong gần ba tháng. Đến giữa tháng 3/2006, bản quá độ ở đầu hầm chui bị thủng và sau đó phát hiện ra ba bản quá độ khác cũng lâm vào tình trạng nguy hiểm do nền đất dưới các bản quá độ này đang trượt, lún nặng...

 

Theo Lưu Đức
VnExpress