“Các hộ nghèo cứ mong được... nghèo mãi”
(Dân trí) - “Đồng tiền hỗ trợ bỏ ra cũng phải tạo ra động cơ, động lực. Nghịch lý là các hộ nghèo đều không muốn vươn lên, chỉ mong làm hộ nghèo mãi vì nghèo thì nhận quá nhiều chính sách hỗ trợ, vươn lên không còn gì cả”- Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu.
Phát biểu tại Quốc hội sáng 7/6, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đồng tình với những thành tựu mà Chính phủ và cơ quan giám sát (UB Thường vụ Quốc hội) đưa ra. Ông Vinh phân tích, trong giai đoạn này, đất nước liên tiếp trải qua những thời điểm khó khăn, hết lạm phát năm 2008 lại khủng hoảng năm 2011 đến nay. Dù có rất nhiều khó khăn như vậy nhưng trong hoàn cảnh nào Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn dành nguồn lực rất to lớn cho chương trình giảm nghèo.
Bộ trưởng KH-ĐT khẳng định, nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ngân hàng thế giới WB từng đề nghị ông Vinh trình bày kinh nghiệm về giảm nghèo tại Việt Nam, khi nghe xong, tổ chức này đã khẳng định tiếp tục là nhà tài trợ ODA cho chương trình hỗ trợ tại Việt Nam. Niều nhà tài trợ khác cũng cam kết dành vốn vì đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam.
Tuy vậy, nhìn thẳng sự thật, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xác nhận, còn nhiều điều chưa hài lòng. Ông Vinh đề cập đầu tiên là sự dàn trải trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà đại biểu Quốc hội đã nhiều lần đề cập.
Ông Vinh chỉ rõ, trong nhiệm kỳ này, có 16 chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện, khó cắt giảm nhanh được. Năm 2014, trong bối cảnh nguồn lực rất khó khăn, Quốc hội đã quyết định giãn, giảm tiền với nhiều chương trình xuống còn 50% nguồn lực đầu tư so với kế hoạch nhưng chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới vẫn được giữ nguyên.Nhiệm kỳ 2016 – 2020, nhà nước đã xác định chỉ giữ lại 2 chương trình này.
Yêu cầu về việc lồng ghép các chương trình hoạt động là vấn đề thứ 2 được Bộ trưởng Bùi Quang Minh nhấn mạnh. Ông Vinh khái quát bức xúc vì nguồn lực đã khó khăn mà còn phải phân ra đến 16 chương trình, về đến địa phương, nguồn vốn không còn được bao nhiêu, nhiều nơi không thể thực hiện được.
Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị giao tổng tiền hỗ trợ của các chương trình địa phương để Chủ tịch UBND tỉnh, huyện có thể chủ động điều phối nguồn lực vì “trên TƯ không ai có thể hiểu kỹ tình hình, vấn đề cần giải quyết bằng địa phương”.
Cũng có một đề xuất khác được đưa ra là dồn tiền được phân bổ mỗi năm cho 1 hoạt động, 1 chương trình duy nhất dể hoàn thành rồi sang năm lại dồn cho chương tình khác nhưng báo cáo lại từ các địa phương, hầu hết không làm được. “Địa phương cũng cả nể và rồi lại đành phân chia, giao phần đồng đều cho từng chương trình như cũ” – Bộ trưởng Vinh đề nghị quy định cứng về việc dồn nguồn lực cho 2 chương trình cơ bản để địa phương bắt buộc lồng ghép. Đây là quyết định sáng suốt của Quốc hội đề giải bài toàn lồng ghép.
Nội dung khác mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị là nâng chuẩn nghèo lên để từng bước tiến tới chuẩn nghèo quốc tế trong thời gian tới, vì mức thu nhập 500.000đ/người ở đô thị, 400.000đ/người ở nông thôn đã quá lạc hậu, thiếu thực chất. Bộ LĐ-TB&XH phải nhanh chóng xây dựng trong năm 2015 chuẩn nghèo mới để áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ ra ngịch lý “cào bằng” trong tiêu chí hỗ trợ người nghèo hiện nay. Vì mục đích nhân đạo, ai nghèo cũng được hỗ trợ như nhau nhưng việc này làm cho hiệu quả hỗ trợ giảm đi nhiều, thậm chí phản tác dụng.
Kể lại câu chuyện khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, ông Vinh cho biết, bản thân luôn nhận được phản ánh của người dân nói Chính phủ không công bằng, từ tiền hỗ trợ tết, ai nghèo cũng được như ngang nhau. Có cụ già còn phản ánh với ông Vinh chuyện bản thân đã cao tuổi nhưng ngày nào cũng phải lên nương, làm rẫy mà cuối cùng không nhận được bất cứ thứ gì chỉ vì được xếp ở diện “cận nghèo”. Trong khi đó, cậu thanh niên ở cạnh bên ngày ngày chỉ đi chọc bi-a, ăn chơi, nghiện hút thì được xếp diện hộ nghèo và nhận được rất nhiều chính sách hỗ trợ.
“Đồng tiền hỗ trợ bỏ ra cũng phải tạo ra động cơ, động lực. Nghịch lý là giờ các hộ nghèo đều không muốn vươn lên, chỉ mong muốn ở lại làm hộ nghèo mãi vì nghèo thì nhận quá nhiều chính sách hỗ trợ, vươn được lên thì không còn gì cả” – ông Vinh bức xúc cho rằng chính sách hỗ trợ cũng phải kèm theo điều kiện, yêu cầu người nhận hỗ trợ cam kết vươn lên và muốn được nhận tiền cũng phải bình xét, không thể để người nghiện hút vẫn được hỗ trợ.
P.Thảo