1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Các đô thị lớn tại Việt Nam: Bất thường nồng độ Ôzôn

Chiều qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia 2013 về không khí. Điều đáng lưu ý nhất trong báo cáo là không khí các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đang có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí Ôzôn.

 

Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Dương

Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Dương

 

Trái quy luật, chưa rõ nguyên nhân

 

Theo báo cáo môi trường quốc gia, từ năm 2013, số liệu quan trắc liên tục tự động từ một số trạm ven đường như trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), trạm Lê Duẩn (Đà Nẵng) cho thấy, nồng độ khí Ôzôn ở Việt Nam có xu hướng tăng đáng kể và rõ rệt từ năm 2013.

 

Nồng độ Ôzôn ở lớp không khí gần mặt đất tương đối cao, xấp xỉ ngưỡng QCVN 05:2013. Đáng lưu ý, nồng độ Ôzôn tăng cao khi nhiệt độ tăng và đứng gió, vì vậy, nồng độ Ôzôn cao nhất trong ngày vào 9 - 11h sáng. Thế nhưng ở các thành phố Việt Nam, một số thời điểm nồng độ Ôzôn lại cao rõ rệt về đêm. Điều này trái với quy luật thăng giáng tự nhiên ngày cao đêm thấp của khí Ôzôn.

 

Đà Nẵng được coi là thành phố khá sạch ở Việt Nam nhưng ba năm qua, số ngày có chất lượng không khí kém, không khí xấu ở thành phố này tăng lên đáng kể. Năm 2011 thành phố này chỉ có 40 ngày không khí kém, đến năm 2013, con số này tăng lên 128 ngày. Chất lượng không khí giảm sút ở Đà Nẵng là do sự tăng mạnh về nồng độ Ôzôn. Các chỉ số ô nhiễm khác ở thành phố này ít biến động.

 

Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, nồng độ Ôzôn trong không khí ở các đô thị Việt Nam tăng cao là do ảnh hưởng của giao thông và sản xuất công nghiệp, nhất là sự gia tăng phương tiện ô tô, xe máy ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, vì sao nồng độ Ôzôn lại tăng mạnh vào ban đêm (trái với quy luật thông thường ngày cao đêm thấp) thì chưa có lý giải thỏa đáng dù đã có nhiều hội thảo tìm nguyên nhân được tổ chức.

 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nồng độ Ôzôn trong không khí tăng cao gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhất là với trẻ em, người già và người hoạt động nhiều ngoài trời. Ôzôn làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi.

 

Ôzôn cũng làm nặng hơn các bệnh về hô hấp và giảm khả năng của cơ chế chống lại vi sinh vật xâm nhập vào hệ hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn. Với những bệnh nhân bị rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim thường gặp hơn ở người lớn tuổi), nguy cơ tử vong tăng cao hơn trong những ngày ô nhiễm Ôzôn nhiều.

 

Hà Nội ô nhiễm hơn thành phố Hồ Chí Minh

 

Ngoài nồng độ Ôzôn cao bất thường, một điểm đáng lo ngại ở không khí đô thị Việt Nam là nồng độ bụi mịn khá cao. Không giống với bụi thô, hạt bụi mịn thường mang tính axit, có kích thước siêu nhỏ nên tồn tại lâu trong không khí và có khả năng phát tán xa, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất đáng kể.

 

Khu vực phía Bắc là nơi có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất. Theo kết quả quan trắc, ở vùng kinh tế trọng điểm phía bắc 68,12% giá trị quan trắc có nồng độ bụi vượt quá QCVN 05:2013. Con số này ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 42%, ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là 44%.

 

Hà Nội cũng là nơi có mức độ ô nhiễm hơn hẳn thành phố Hồ Chí Minh dù thành phố này có dân số và lượng phương tiện cơ giới ít hơn. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Y tế (Bộ Giao thông Vận tải), tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp ở Hà Nội cao hơn thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trong năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.

 

Theo các chuyên gia, Hà Nội ô nhiễm hơn thành phố Hồ Chí Minh có thể liên quan đến đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghệ, nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp như công nghệ lạc hậu, khu công nghiệp nằm gần trục giao thông.

 

Ngoài ra, thời tiết nhiều biến động cũng là tác nhân. Do đó, người dân Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh về hô hấp lớn hơn. Theo ước tính, số tiền người dân Hà Nội phải chi để chữa các bệnh liên quan đường hô hấp, thiệt hại do bệnh đường hô hấp gây ra gấp đôi người dân sống ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Báo cáo môi trường quốc gia cũng cho thấy, trong 5 năm qua, chất lượng không khí đô thị ở Việt Nam chưa có nhiều cải thiện, điển hình là Hà Nội. Giai đoạn 2010 - 2013, Hà Nội có 40-60% số ngày chất lượng không khí kém, nhiều ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu, thậm chí có ngày xuống mức nguy hại.

 

Tỷ lệ cây xanh quá thấp

 

Theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc. Ở Việt Nam tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10 m2 cây xanh để hấp thụ không khí do họ thải ra.

 

Hiện nay diện tích đất để trồng cây xanh trong các đô thị Việt Nam mới đạt 0,5m2/người. Ở Hà Nội là 2m2/người, ở thành phố Hồ Chí Minh là 3,3m2/người, bằng 1/5 đến 1/10 các đô thị hiện đại trên thế giới như Washington (40m2/người), London (26,9m2/người), Quế Lâm (Trung Quốc) là 11m2/người.

 

Theo Nguyễn Hoài
 Tiền Phong