"Các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, không thể tránh khỏi những quy định khi thực hiện mới bắt đầu bộc lộ bất cập, và quy trình sửa luật không đơn giản chút nào.

Quan điểm này được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ra khi thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, chiều 31/5.

Đề xuất cơ chế "du lịch kết hợp chữa bệnh" ở Đà Nẵng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phản ánh một thực tế rất rõ, đó là "các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào".

"Vậy thì cần phải xem lại cách xây rào của mình. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, rõ ràng không thể tránh khỏi những quy định khi thực hiện mới bắt đầu bộc lộ những bất cập, trong khi quy trình sửa luật không đơn giản một chút nào", bà Thúy nói.

Các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào - 1

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ảnh: Quang Vinh).

Về lâu dài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội góp ý cần tính đến việc sửa "luật làm luật", đó là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nữ đại biểu phân tích trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình tự, thủ tục ở các luật khác đa phần giao cho Chính phủ quy định. Chính trình tự thủ tục đó đôi khi làm mất cơ hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.

Góp ý cho dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho hai địa phương Đà Nẵng và Nghệ An lần này, bà Thúy nhất trí với nhiều đại biểu về đề xuất tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và thời điểm áp dụng chính sách này nên cùng với thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.

Theo bà Thúy, vấn đề này không khó bởi thẩm quyền của Quốc hội. Rất nhiều địa phương đã kêu việc này, không phải chỉ ở kỳ họp này mà kêu từ trước tới giờ. Nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn làm được, chứ không đổ cho cơ chế, vì suy cho cùng, cơ chế cũng là do con người làm ra", nữ đại biểu nêu quan điểm.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng nhóm chính sách còn thiếu lĩnh vực quan trọng về y tế.

Các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào - 2

Khu Trung tâm hành chính Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Kết luận 79 của Bộ Chính trị nêu định hướng "du lịch kết hợp với khám chữa bệnh", đại biểu Thúy cho rằng điều này có thể khả thi nếu đưa vào dự thảo Nghị quyết để thực hiện.

"Đà Nẵng cần bổ sung đầu tư cho các dự án về lĩnh vực y tế, như thành lập mới các cơ sở  khám chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế khám chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài, cập nhật, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y dược… cho hệ thống công lập của thành phố", đại biểu Thúy gợi mở.

Thí điểm nhưng vẫn cần cái đột phá hơn, mở hơn

Đề cập chính sách thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà đồng tình và nhấn mạnh đây là chính sách mới mà từ trước tới nay, các địa phương khi xây dựng chính sách đặc thù chưa ban hành được.

Tuy nhiên, bà Hà đề nghị Chính phủ cung cấp thêm tài liệu về mô hình này trên thế giới để đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu, đánh giá.

Các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Ảnh: Hồng Phong).

"Hiện nay chúng ta có khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp công nghệ cao, rồi trước đây chúng ta nghiên cứu cả đặc khu, khu kinh tế ven biển… Vậy khu thương mại tự do Đà Nẵng xây dựng vượt trội hơn khu khác thế nào, cần phải làm rõ thêm", bà Hà kiến nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ có một đề án riêng về Khu thương mại tự do và làm rõ cơ chế chính sách nào vượt trội, nằm ở đâu.

Về lâu dài, ông nhấn mạnh phải rà lại các quy định của pháp luật cũng như phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để vừa đảm bảo sự quản lý thống nhất của Trung ương, vừa không hạn chế tính tự chủ của địa phương.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nên ủng hộ việc thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào - 4

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Hồng Phong).

"Anh Hà Sỹ Đồng nói phải có một đề án riêng, nhưng nếu vậy, bao giờ mới có được một mô hình Khu thương mại tự do", ông Thanh nói. Theo ông, không nên cầu toàn vì đây là chính sách thí điểm, nếu hiệu quả mới nhân rộng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế dẫn chứng Khu thương mại tự do Thượng Hải thành lập từ 2013 tới nay vẫn đang thí điểm và đã qua 6 lần điều chỉnh, từ 28km2 ban đầu, tới nay đã mở rộng thành 200km2 và được đánh giá rất thành công.

Với đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, ông Thanh đánh giá cơ chế chính sách cho Khu này vẫn ít, khó hấp dẫn được so với các Khu thương mại tự do sát Việt Nam.

"Thí điểm nhưng tôi vẫn muốn cơ chế chính sách phải có cái đột phá hơn, mở hơn", ông Thanh nêu quan điểm.