1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Cả toà nhà bỗng dưng sập xuống là không chấp nhận được”

(Dân trí) - “Cả tòa nhà 5 tầng bỗng dưng sụp xuống đất là điều không thể chấp nhận được. Nền móng và kết cấu cọc dầm chịu lực quá yếu cùng với những tác động từ việc sửa chữa có thể làm tòa nhà bị sập”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sĩ Liêm đánh giá.

Sau khi tòa nhà 5 tầng đầu ngõ 49, phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội bị sập xuống siêu thị máy tính, phóng viên Dân trí đã trao đổi với Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sĩ Liêm về vấn đề này. Ông Liêm cho rằng chính quyền cần phải xem xét lại quá trình cải tạo ngôi nhà, nếu phát hiện sai sót phải xử lý nghiêm, không nên để “hòa cả làng” như nhiều công trình trước đó. 
 
“Cả toà nhà bỗng dưng sập xuống là không chấp nhận được” - 1
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sĩ Liêm

Ông đánh giá thế nào khi cả tòa nhà 5 tầng bỗng dưng sụp xuống đất như vậy?

Được biết căn nhà đó mới được cải tạo chứ không phải xây mới. Như vậy, trước tiên phải xem xét quá trình cải tạo diễn ra thế nào? Liệu kết cấu chịu lực có bị cưa mất một phần để tạo thêm không gian bán hàng hay không? Liệu có cơi nới thêm hay không?

Qua quan sát tôi thấy nguyên nhân dẫn đến đổ nhà có thể là do một phía của nền móng yếu hơn, lún xuống lòng đất. Từ những thước phim ghi lại hiện trường tôi rất ngạc nhiên khi tường giáp với tòa nhà liền kề chỉ là tường con kiến. Cột và dầm cũng không to hơn bức tường đó bao nhiêu... Cơ quan chức năng phải làm rõ những vấn đề này.

Không chỉ tòa nhà 5 tầng ở phố Huỳnh Thúc Kháng bị sụp đổ mà trước đây Hà Nội cũng đã có những trường hợp tương tự xảy ra. Thêm nữa, một số công trình xây dựng làm rạn nứt, thậm chí tạo ra nguy cơ sụp đổ tòa nhà liền kề. Ông đánh giá thế nào về những hiện tượng đó?

Xây dựng trong thành phố như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rất dễ ảnh hưởng đến nhà bên cạnh. Vấn đề đầu tiên liên quan đến sự việc là nền móng. Nền đất đã ổn định rồi, giờ bị khoét sâu xuống mới dẫn tới hiện tượng “bên lở, bên bồi”.
“Cả toà nhà bỗng dưng sập xuống là không chấp nhận được” - 2
Hiện trường ngôi nhà bị sập chiều hôm qua, 31/3

Hà Nội nhiều hồ ao, kênh mương bị lấp, nhiều công trình nằm trên nền móng không đồng chất. Điều đó có nghĩa là một nửa tòa nhà có thể nằm trên đất chắc, phần còn lại nằm trên đất bùn, kết cấu yếu. Trước đây, người dân xây nhà 1 đến 2 tầng trên nền này thì không sao. Hiện nay, nhà cao tầng đua nhau mọc lên nhưng tính toán địa chất công trình chưa hợp lý, thậm chí nhà dân xây dựng cũng không quan tân đến vấn đề này. Điều đó dẫn tới việc đất ở dưới không đồng chất nhưng lại làm hai phần móng giống nhau dễ bị sụt lún kéo đổ cả tòa nhà.

Có phải do sự buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng và năng lực cán bộ chuyên môn còn yếu kém không phát hiện ra vấn đề?

Lâu nay người dân có thói quen kêu thủ tục là phiền hà, phức tạp. Chính quyền đặt ra thủ tục cũng phải có lý do chứ! Không ai hơi đâu lại tự bịa ra cho mệt. Cái sai là anh vận dụng thủ tục thường xuyên hạnh họe người dân.

Mỗi công trình xây dựng tôi luôn đặt ra vấn đề vai trò của người cho phép xây dựng. Nhà thầu có đủ tư cách hành nghề không. Việc thuê một ông “thợ vườn” hay gọi một nhà thầu chính thống có đăng ký kinh doanh hành nghề vào làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình.

Nếu công trình không có phép liệu phường có phát hiện ra hay biết rồi nhưng lại làm ngơ. Và công trình có giấy phép rồi cũng phải kiểm tra quá trình thi công có đúng quy định hay bị làm sai lệch.

Liệu có phải vẫn còn tình trạng, người dân thích thì xây, còn chính quyền có “ưa” thì mới cho làm không thưa ông?

Hiện nay, tôi thấy Hà Nội nhiều nhà xây lên đến năm, sáu tầng rất dễ dàng. Cũng có khi những ngôi nhà này cũng không cần thiết kế gì. Chủ nhà về quê gọi mấy ông thợ lên làm là xong. Cứ thế theo thói quen thích thì xây, muốn đặt bê tông, cốt thép thế nào là tùy.

Việc thiếu ý thức trong quá trình xây dựng, không coi trọng thiết kế bản vẽ được đưa ra và cũng không tuân thủ quy định của nhà nước là rất nguy hiểm. Vì vậy, ngoài việc kiển tra giấy phép xây dựng thì cũng nên thường xuyên theo dõi tư cách hành nghề của các tổ chức, cá nhân.

Người cấp phép xây dựng cũng phải chỉ rõ căn cứ vào đâu để cho phép và liệu anh có đủ năng lực để phát hiện những vấn đề chưa hợp lý của công trình hay không? Nếu vì lý do nào đó anh cứ ký đại cho người dân xây mới hay sửa chữa thì nhà lại đổ như chơi.

Vậy lúc này điều gì quan trọng nhất để không xảy ra những sự cố đáng tiếc gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và lãng phí tiền bạc, thưa ông?

Hàng ngày, người ta nói về an toàn giao thông, nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Cho nên, một số sự cố đáng tiếc cũng không phải là do buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, cần phải nói rằng nhiều nơi chính quyền chưa làm tròn phận sự được giao điều đó mới dẫn tới những công trình không hợp lý. Tôi lo ngại nhất hiện nay là việc giám sát hoàn thiện công trình đang bị buông lỏng do vậy mới dẫn đến cả tảng bê tông rơi từ trên trần xuống đầu người dân.

Quang Phong