1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cà Mau có thể biến mất trong vài thập kỷ tới vì bơm nước ngầm

(Dân trí) - "Phần lớn tỉnh Cà Mau có thể chìm dưới nước biển trong vài thập kỷ tới nếu không dừng ngay việc bơm nước ngầm". Đó là cảnh báo của Tiến sĩ Kjell Karlsrud - Giám đốc Kỹ thuật Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI).

Sáng 17/6/2013, tại TP. Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Đại sứ quán Na uy tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo “Kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1- sự lún đất ở bán đảo Cà Mau”.

Tiến sĩ Kjell Karlsrud phát biểu tại hội nghị

Tiến sĩ Kjell Karlsrud phát biểu tại hội nghị

Từ tháng 5/2012, Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau. Qua báo cáo kết quả sơ bộ NGI cho thấy, Cà Mau có tốc độ lún hoặc sụt theo thứ tự là 1,9 - 2,8cm/năm. Bên cạnh đó, số liệu của NGI còn chỉ ra rằng, trong thời gian 15 năm trước (1998) đến thời điểm hiện tại, tốc độ sụt lún mặt đất ở Cà Mau là từ 30 - 80cm; Theo dự báo trong vòng 25 năm tới, tốc độ sụt lún sẽ tăng lên từ 90 đến 150cm và 210cm trong vòng 50 năm tới.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tổng lưu lượng bơm nước ngầm hiện nay tại Cà Mau là 373.000 m3/ngày đêm, với tổng số giếng là hơn 109.000. Qua đó cho thấy bơm nước ngầm có thể là nguyên nhân gây ra sự sụt lún đáng kể và có thể là nguyên nhân chính gây mất đất và mực nước biển dâng cao ở Cà Mau.

Để hạn chế việc sụt lún gây mất đất tại tỉnh Cà Mau, NGI cũng đưa ra khuyến cáo: Dừng tất cả hoạt động bơm từ nguồn nước ngầm, xây dựng nhà máy lọc nước và đường ống cấp nước mới. Đồng thời, thông báo ở mức báo động cao nhất về mức độ nghiêm trọng tiềm tàng về vấn đề lún sụt; lắp đặt chương trình quan trắc sự lún sụt và áp lực nước ngầm nhằm xác định mức độ và phạm vi của vấn đề sụt lún.
 

 

Cảnh báo tình trạng sạt lở đê biển ở Cà Mau

 

 

Sáng ngày 18/6, nguồn tin từ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đã có tới hơn 40km bờ biển đang bị sạt lở.

 

Trong đó có 4 khu vực bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 17.360m, được ngành chức năng tỉnh Cà Mau cảnh báo cấp độ nguy hiểm cao nhất.

 

Theo báo cáo của sở này, từ đầu năm đến nay, ở 3 huyện vùng biển Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển đã xảy hơn vụ sạt lở nghiêm trọng làm hư hỏng 30 căn nhà và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh..., ước tính thiệt hại gần 3 tỷ đồng.
 
Cà Mau có thể biến mất trong vài thập kỷ tới vì bơm nước ngầm

 

Tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển vẫn đang trong tình trạng hết sức phức tạp. Hàng năm, tỉnh Cà Mau đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bờ kè, nạo vét kết hợp bồi trúc gia cố bảo vệ đê biển nhưng xem ra hiệu quả chưa khả quan.

 

Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh, các tuyến đê biển thường xuyên bị sạt lở bao gồm: Tuyến đê biển Tây, khu vực cửa biển Gành Hào, khu vực Mũi Cà Mau và khu vực Khai Long...

 

Ông Sử thông tin thêm, để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đề xuất với Trung ương, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính cần nghiên cứu đề ra giải pháp khoa học phù hợp, nhằm ứng phó có hiệu quả, giảm nhẹ thiên tai.

 

Tuấn Thanh

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm