1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Cả làng sống khá nhờ trồng rau sạch !

(Dân trí) - Nằm bên dòng sông Kôn trù phú, làng rau Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) được thiên nhiên ưu đãi cho dải đất màu mỡ. Trên nền đất giàu phù sa ấy, người dân làng Thuận Nghĩa cần mẫn, cày xới trồng rau và sống khấm khá nhờ trồng rau sạch…

Hiện nay, hàng trăm hộ dân tại khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định) tập trung vào phát triển rau sạch, nhiều hộ không có đất đã chủ động bỏ tiền thuê đất trồng rau. Nhờ sự chịu khó, một nắng hai sương của người nông dân đã đưa vùng đất Thuận Nghĩa trở thành nơi cung cấp rau sạch lớn và uy tín bậc nhất tại thị trường Bình Định và các miền Trung - Tây Nguyên.

Sống nhờ… sông

Làng Thuận Nghĩa nằm bên cạnh con sông Kôn hiền hòa và trù phú, mảnh đất được thiên nhiên ban tặng cho dải đất phù sa phì nhiều, màu mỡ. Có lợi thế đó, người nông dân cần mẫn, cày xới trồng rau, hoa màu quanh năm. Nhờ đó, đời sống người dân càng ấm no, trẻ em trong làng có cái ăn, cái mặc và được cắp sách đến trường.

Con sông Kôn không chỉ cho phù sa màu mỡ mà còn cung cấp nguồn nước dồi dào tưới cho rau tươi tốt
Con sông Kôn không chỉ cho phù sa màu mỡ mà còn cung cấp nguồn nước dồi dào tưới cho rau tươi tốt

Nông dân Trần Văn Trinh (46 tuổi, khối Thuận Nghĩa) với 3 sào đất màu (1.500 m2), chuyên trồng hành tím, khi xong vụ chính ông trồng thâm canh các loại rau cải ngọt, cải cúc… mỗi năm thu lãi 40-50 triệu đồng. Ông Trinh cho biết, khối Thuận Nghĩa sống chính vào nghề trồng rau từ thời xưa ông bà để lại. Nơi đây được con sông Kôn mỗi năm bồi đắp cho lượng phù sa màu mỡ. Người dân bám lấy con sông này để trồng rau mà sống, nhiều hộ không có đất hay ít đất thì bỏ tiền thuê đất trồng rau. “Gia đình tôi sống khá và có tiền lo cho 2 đứa con ăn học lên đến đại học rồi đã ra trường... cũng là nhờ vào 3 sào đất trồng hành, trồng rau. Năm nay, làng rau trúng lớn do ở các tỉnh phía Bắc lạnh kéo dài vào dịp trước và sau Tết, rau ở phía Bắc "khan hàng" nên đã khiến rau khu vực chúng tôi đắt như tôm tươi, nhiều hộ kiếm lãi vài chục triệu đồng”, ông Trinh khoe.

Cũng theo ông Trinh, sở dĩ nông dân Thuận Nghĩa sống được nhờ trồng rau chính là nguồn phù sa đắp bồi và nguồn nước ngầm dồi dào của con sông Kôn ban tặng. “Khác cây lúa, cây hoa màu ưa nắng nhiều, đặc biệt ở đây càng nắng hạn rau càng phát triển. Bởi vốn đất phù sa cho nhiều dinh dưỡng, nhưng khi hạn hán thì sông Kôn vẫn có nguồn nước ngầm dồi dào đủ tắm mát cho những vườn rau tốt tươi”, ông Trinh lý giải.

Người trồng rau sạch ở Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) sống khá nhờ trồng rau
Người trồng rau sạch ở Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) sống khá nhờ trồng rau

Trong khi đó, những hộ không có đất canh tác như hộ bà Quách Thị Cúc (54 tuổi, ở khối Thuận Nghĩa), mỗi năm bà đã bỏ ra 20 triệu đồng để thuê 5 sào đất trồng các loại rau như ngò, hành, cải cúc (tần ô)… Bà Cúc, cho biết: “Tính ra mỗi năm tôi phải bỏ ra 4 triệu đồng/sào để thuê đất, rồi tiền mua giống, phân bón… nếu trồng lúa thì không có giá thuê đó vì sẽ lỗ vốn. Nhưng đất ở đây chủ yếu là đất phù sa, độ dinh dưỡng cao nên rau phát triển tốt. Từ xưa đến nay, vùng rau này nổi tiếng sạch, đảm bảo chất lượng, đầu ra trên thị trường. Vì vậy, người dân mới dám "liều mạng" bỏ ra số tiền đó để đầu tư trồng rau”.

Sướng nhờ… rau

Dẫn chúng tôi đi tham quan những cánh đồng rau ở khối Thuận Nghĩa, ông Quách Văn Cầu - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩ) cho biết, khối Thuận Nghĩa có 414 hộ dân thì có đến 366 hộ dân làm kinh tế bằng nghề trồng rau, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt gần 50 triệu đồng/năm. Với diện tích 36 ha, người dân vùng rau Thuận Nghĩa xuất bán ra thị trường 5-10 tấn rau sạch mỗi ngày. Đặc biệt, từ năm 2010, người dân ở đây bắt đầu trồng rau theo phương thức VietGAP với 65 hộ dân tham gia. “Rau trồng VietGAP cao gấp 30% so với giá rau trồng truyền thống. Hiện tại làng rau có nhà sơ chế sẵn nên các loại rau VietGAP sau khi thu hoạch được đưa vào nhà sơ chế. Mỗi ngày, làng rau cung cấp trên 500kg rau, thời điểm chính vụ khoảng 800kg cho siêu thị Co.opmart Quy Nhơn”, ông Cầu nói.

Bà Thủy thuê 4 sào đất mất 20 triệu mỗi năm nhưng nhờ trồng rau mỗi năm bà vẫn thu lời 40-50 triệu
Bà Thủy thuê 4 sào đất mất 20 triệu mỗi năm nhưng nhờ trồng rau mỗi năm bà vẫn thu lời 40-50 triệu

Kế thừa nghề trồng rau từ bố vợ, anh Nguyễn Quốc Thành (40 tuổi, khối Thuận Nghĩa), vốn làm nghề thợ hồ thu nhập bấp bênh nên hơn 1 năm nay anh chuyển sang trồng rau. Với 3 dào đất cánh tác, anh dành 1 sào để trồng rau theo kiểu VietGAP, 2 sào trồng rau truyền thống. Anh Thành chia sẻ: “Trồng rau theo kiểu VietGAP không khó nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao, cách bón phân, thuốc sinh học sao cho hợp lý. Trong khi thời gian trồng chăm sóc như nhau, nhưng giá giao VietGAP khi nào cũng phải bán cao hơn 30% với rau thường. Nếu như giá cải cúc trồng theo hướng truyền thống hiện chỉ 3.000 đồng/bó thì rau VietGAP được thu mua cao hơn với giá 3.500 đồng/bó. Nếu sau này đầu ra đảm bảo tiêu thụ hết thì tôi sẽ chuyển hết sang trồng rau VietGAP”.

Tiếp theo hướng trồng rau VietGAP, hộ bà Huỳnh Thị Thủy (47 tuổi, trú khối Thuận Nghĩa), mỗi năm phải bỏ 13 triệu đồng để thuê 3 sào đất để trồng ngò, khổ qua, dưa leo, cải… Bà Thủy khẳng định: Làm theo kiểu VietGAP nên giá thành cao hơn so với giá rau thường. Nhờ vậy, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng, đủ tiền để chạy vạy dựng nhà, nuôi 2 đứa con ăn học.

Anh Thành từ bỏ nghề thợ hồ về quê trồng rau theo VietGAP
Anh Thành từ bỏ nghề thợ hồ về quê trồng rau theo VietGAP
Người dân chuẩn bi giống hành tím chuẩn bị vụ mới
Người dân chuẩn bi giống hành tím chuẩn bị vụ mới

Theo ông Quách Văn Cầu - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa cho biết, hiện nay ngoài số hộ trồng rau theo làm theo kiểu VietGAP ở khối Thuận Nghĩa, phần lớn số hộ đang canh tác trồng rau theo truyền thống luôn tuân thủ các quy định về liều lượng, thời gian dùng thuốc, bón phân phải đúng chu kỳ, quy trình nhằm đảm bảo rau sạch trước khi đến tay người tiêu dùng. Vì lẽ đó, làng rau sạch Thuận Nghĩa luôn có chỗ đứng trên thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.

Doãn Công

Cả làng sống khá nhờ trồng rau sạch ! - 6