1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Cả làng lang bạt bán báo, đánh giầy

(Dân trí) - Họ hầu hết là những người trong độ tuổi lao động, từ 15-45, ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Dân trong xã cứ đến tuổi kiếm tiền là bỏ làng, lang bạt kỳ hồ từ Hà Nội đến Huế, Sài Gòn… bán báo, đánh giầy, bán vé số.

Hầu hết những người đã chấp nhận đi lang bạt xứ người là những người không được học hành đến nơi đến chốn. Họ bôn ba từ Bắc chí Nam, mong tìm được một công việc phù hợp, có thu nhập không chỉ nuôi bản thân mà còn có chút dư dả gửi về cho gia đình ở quê.

 

Hải, 17 tuổi, đánh giầy ở TP Huế, kể: “Em theo anh trai đi làm từ khi 14, 15 tuổi, đi nhiều nơi lắm, Hà Nội, Đà Nẵng rồi Sài Gòn… nhưng khó làm ăn lắm, phải tranh giành địa phận mệt lắm anh ạ. Ở Huế “dễ thở” hơn. Em trụ ở đây được gần năm nay rồi”.

 

Anh Tâm, một người bán báo, cho biết, để kiếm sống, vợ chồng anh đã đi rất nhiều nơi, chủ yếu là các thành phố lớn, nhưng vì sinh hoạt đắt đỏ nên tiền dư cũng chẳng được là bao.

 

Còn một chị bán báo tên Giang thì khoe: “Xã chị hầu hết đi làm thuê cả, từ Hà Nội đến Sài Gòn,… Khắp nơi là anh em họ hàng”.

 

Cuộc mưu sinh xứ người không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng. Hải vừa đánh bóng đôi giầy cho khách vừa cay đắng kể lại: “Ngày trước em làm ở Hà Nội, có những hôm “bí” tiền, mấy thằng bàn nhau “cuỗm” giầy của khách, bán lấy tiền chia nhau. Giờ không dám thế nữa rồi”.

 

Chị Giang ngậm ngùi: “Có những ngày lấy báo rồi trời bỗng đổ mưa, ôm xập báo mà trào nước mắt. Cực lắm em ạ”. Không riêng gì bán báo, đã chấp nhận thân lang bạt thì đánh giầy hay bán vé số, hàng rong… đều sợ trời mưa. Thời tiết đối khi không chiều lòng người nghèo!

 

Hỏi sao không chọn nghề khác cho đỡ cực, Hải hồn nhiên: “Bán báo lời lắm, có ngày lãi cả trăm bạc. Tất nhiên cũng có hôm ế thì trắng tay”. Còn nghề đánh giầy, theo Hải, nhìn có vẻ “bệ rạc” nhưng chắc ăn, vốn ít, ít phải lo nghĩ.

 

Vì đều là người cùng làng nên cuộc sống nơi “đất khách quê người” tuy cực nhọc nhưng không quá cô đơn, lạc lõng. Chị Giang cho biết cả làng rủ nhau thuê luôn cả xóm trọ, mỗi người 130-150 ngàn đồng tiền phòng/tháng, nấu ăn theo từng phòng.

 

Một năm họ về nhà được một lần vào dịp tết để gia đình đoàn viên. Sau tết, cuộc hành trình mưu sinh lại tiếp diễn, năm này qua năm khác…

 

Vũ Ngọc Dương