1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Cả huyện “vật vã” vì đường huyết mạch dang dở

(Dân trí) - Chưa bao giờ người dân huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) lại rơi vào cảnh lao đao, khốn khó như hiện nay khi Quốc lộ 15A, huyết mạch giao thông quan trọng nhất nối TP Hà Tĩnh và các huyện thị khác, gần như bị chia cắt.

Khốn khổ đủ đường
 
Quốc lộ 15A có chiều dài hơn 30km, là tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất, cũng là con đường độc đạo nối huyện Hương Khê với trung tâm tỉnh lị Hà Tĩnh. Những năm qua do khai thác quá mức, tuyến đường xuống cấp, không thể đáp ứng việc đi lại cũng như phục vụ phát triển kinh tế của huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn này.

Từ đầu năm 2010, thông qua nguồn vốn đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, Bộ GTVT đã giao Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, triển khai dự án nâng cấp tuyến quốc lộ này theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi với tổng kinh phí lên đến hơn 670 tỷ đồng.

Khỏi phải nói hết niềm vui của chính quyền và người dân huyện Hương Khê, bởi tất cả họ đều hy vọng, sau khi hoàn thành, dự án không chỉ giúp người dân huyện miền núi này chấm dứt những tháng ngày khổ sở lưu thông trên tuyến quốc lộ chật hẹp, nhiều hiểm nguy, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người dân thoát nghèo. Thế nhưng, hi vọng ấy đã không thành sự thật khi dự án bị Bộ GTVT liệt vào danh sách đình hoãn vì thiếu vốn.

Thiếu vốn, cộng với thực trạng thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là mưa liên tục kéo dài khiến dự án nâng cấp Quốc lộ 15A triển khai một cách ì ạch, thậm chí nhiều gói thầu gần như đắp chiếu.
Cả huyện “vật vã” vì đường huyết mạch dang dở - 1
Một người dân buôn chè đổ nghiêng xuống đường do mặt đường quá gồ ghề và lầy lội
 
Dự án bị đình trệ, khó khăn chồng hệ lụy đã đẩy chính quyền và người dân huyện Hương Khê như ngồi trên đống lửa. Hơn một năm trôi qua là khoảng thời gian khốn khổ của hàng chục ngàn dân của huyện Hương Khê khi họ luôn phải chịu cảnh “sống chung với bụi, bùn”. Với đa số người dân huyện miền núi Hương Khê, chưa bao giờ họ đón một cái Tết cổ truyền "vật vã" như dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua. Mưa lớn liên tục đổ xuống đã biến con đường vốn thi công ngổn ngang thành một “dòng sông bùn” với vô số con chạch ngoằn nghèo, chắn ngang, chắn dọc. Nhiều đoạn đường nền cũ bị phá vỡ, bánh xe dính chặt bùn lầy không thể di chuyển. Những bờ ta luy bằng bùn đất chạy dọc theo tuyến đường gần như chia cắt, cô lập mọi ngõ lối vào nhà dân.
 
Toàn cảnh Quốc lộ 15A được PV Dân trí ghi lại ngày 2/1/2012 
 
Để đi xuống TP Hà Tĩnh, người dân Hương Khê phải trả một cái giá cao gần gấp 3 trước đây: từ 30.000đ lên 90-100 ngàn đồng/chuyến xe đò, thời gian lưu thông cũng chậm hơn 2 tiếng đồng hồ. “Trước bọn em chạy từ thị trấn Hương Khê về TP Hà Tĩnh mất một tiếng, nay phải mất cả 3 tiếng đồng hồ”- một lái xe đò ngán ngẩm về tuyến đường. Việc đi lại khó khăn cũng đã khiến hàng ngàn học sinh, giáo viên, và đặc biệt là các bệnh nhân chuyển tuyến của Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê bị ảnh hưởng nặng nề. “Cả tháng nay, nhiều giáo viên phải chịu cảnh khi đến trường phải mang theo một chiếc quần khác trong túi để khi đến trường có đồ thay lên lớp giảng dạy. Còn học sinh thì thường xuyên muộn học vì đường đi lại quá khó khăn” - thầy giáo Đặng Bá Hải, giáo viên trường PTTH Gia Phố bức xúc kể.

Không chỉ có chuyện đi lại, người dân huyện Hương Khê đang phải chịu nhiều thiệt hại về kinh tế khi hàng hóa đắt đỏ, hoặc bị tư thương ép giá khi bán các sản phẩm của mình. Hàng loạt nông dân trồng cây ăn quả ở huyện miền núi này than vãn, giáp tết lợi dụng đường đi lại khó khăn các thương buôn đã ép giá, khiến họ thiệt hại khá nhiều.

Nín thở chờ… Chính phủ

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê hết sức buồn bã trước thực trạng bi đát của Quốc lộ 15A. Theo ông Việt, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê đã làm hết sức mình, nhưng do nguồn vốn khó khăn, thời tiết khắc nghiệt đã đẩy dự án vào thế khó.

“Huyện đang phải chịu nhiều hậu quả nặng nề do dự án nâng cấp tuyến quốc lộ này bị đình trệ. Gần như bất cứ thành phần nào đi lại trên tuyến đường này đều bị ảnh hưởng do giá cả, chi phí tăng. Chuyện đi lại cũng rất bi hài, để xuống được TP Hà Tĩnh nhiều người dân phải lòng vòng qua nhiều huyện, hoặc đi tàu ra TP Vinh rồi đón xe theo Quốc lộ 1A đi vào” - ông Việt nói.
Cả huyện “vật vã” vì đường huyết mạch dang dở - 2
Một cái ao bùn chình ình trước mặt chiếc ô tô đang chậm chạp "bò" về xuôi
 
Ông Việt cho biết thêm, đại bộ phận cán bộ, người dân huyện Hương Khê hiểu được sự khó khăn trong tình hình kinh tế hiện nay của đất nước nên thời gian qua đã hết sức thông cảm, ủng hộ chính quyền và các nhà thầu thi công Quốc lộ 15A. “Thế nhưng, thực tế đây là huyết mạch kinh tế quan trọng bậc nhất của huyện nên mong muốn Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh xem xét, có quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm chấm dứt thực trạng nêu trên” – ông Việt gửi gắm.
 
Mong đợi của chính quyền và người dân huyện Hương Khê là chính đáng, nhưng theo những thông tin mà Dân trí có được từ ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban quản lý các công trình giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) thì nguồn vốn tiếp tục triển khai Dự án nâng cấp Quốc lộ 15A gặp rất nhiều khó khăn.
 
Cả huyện “vật vã” vì đường huyết mạch dang dở - 3
 Phần lớn nhà của người dân nằm hai bên đường bị những bức tường taluy bằng đất bùn án ngữ. Nhiều nhà gần như như bị chia cắt với tuyến Quốc lộ này. Thực trạng này sẽ còn kéo dài đối với người dân Hương Khê.
 
Cụ thể, theo ông Tuấn, sau chuyến thị sát tuyến quốc lộ trên vào đầu tháng 11/2011 của Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên, Bộ GTVT đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp 135 tỷ đồng trong năm 2012 để Hà Tĩnh tiếp tục triển khai dự án, tránh tình trạng bỏ dở giữa chừng, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. “Hiện Bộ GTVT đã trình văn bản trên, nhưng vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, nếu được Thủ tướng phê duyệt, dự án nâng cấp Quốc lộ 15A cũng chưa thể thoát khỏi tình trạng khó khăn, bởi số vốn trên cũng chỉ đủ để triển khai những hạng mục quan trọng, những hạng mục cấp thiết nhất.

Như vậy, có thể khẳng định, người dân huyện miền núi Hương Khê vẫn chưa thể ngày một ngày thoát khỏi tình trạng đau đầu vì Quốc lộ 15A.

Văn Dũng - Huy Thái