1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Nguyên UV BCT Vũ Oanh nói về công tác cán bộ qua vụ PMU18:

Cả ba khâu đều yếu kém trầm trọng!

(Dân trí) - Liên tục trong 5 năm (2002 - 2006), một loạt cán bộ cấp Trung ương bị truy tố với nhiều tội danh nghiêm trọng đã gây sự phẫn nộ và uất ức trong quần chúng nhân dân. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng công tác cán bộ, một khâu then chốt của then chốt, của ta đang có vấn đề?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà cách mạng lão thành Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, người từng có 1/4 thế kỉ làm công tác tổ chức Đảng (Phó trưởng ban Ban Tổ chức T.Ư) và nhiều năm phụ trách khối Dân vận T.Ư.

Vụ PMU 18 - Sự sa đọa cực độ của cán bộ!

Thưa, ông đánh giá như thế nào về vụ việc đang diễn ra ở PMU18?

Trước hết, việc phát hiện tiêu cực ở PMU18 dù muộn nhưng cũng là thắng lợi trong công cuộc chống tham nhũng. Nếu không có sự phát hiện, vụ việc chắc chắn sẽ ngày càng nghiêm trọng. Bọn tham nhũng sẽ vì những lợi ích của cá nhân mình mà tiếp tục hại dân, hại nước, hại Đảng.

Thứ hai, khi vụ việc phát hiện đã được xử lý kiên quyết, không né tránh, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân đều biết.

Và thứ ba, qua vụ việc này cho thấy chúng ta nói đổi mới hành chính, đổi mới quản lý nhưng thực chất là còn yếu kém, nhiều sơ hở.

Thứ tư, đây là bài học cảnh tỉnh giúp Đảng, Chính phủ tránh những thỏa mãn với thắng lợi mà xao lãng việc quản lý, giám sát tiền bạc và cán bộ.

Hiện, cả nước đang là một công trường khổng lồ với số tiền đầu tư rất lớn, nếu quản lý không tốt, hậu quả sẽ cực kỳ nguy hiểm. Do đó, những người được giao nhiệm vụ này mà không đáp ứng được yêu cầu về đạo đức, tha hóa biến chất sẽ đục khoét của nước, của dân vô tội vạ. Tham nhũng sẽ trở thành một tội ác lớn.

Vụ PMU18, đánh giá về sự thiệt hại, số người tham gia và sự câu kết, móc nối, một thành viên ban soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng đã phải thốt lên là ngoài sức tưởng tượng. Với tư cách một nhà tổ chức, ông đánh giá gì về công tác cán bộ ở đây?

Sa đọa cực độ, sa đọa không thể tưởng tượng được. Nhiều người ngỡ ngàng đặt câu hỏi tại sao trong đội ngũ cán bộ của ta lại có những kẻ sa đọa đến thế. Sự sa đoạ này vô cùng có hại cho Đảng, cho dân. Đảng đau xót, dân đau xót lắm.

Tôi nhớ trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy tư rất nhiều về công tác cán bộ. Người luôn dạy rằng cán bộ là công bộc của dân, là đày tớ của dân. Thế nhưng chúng ta đã không thấy hết sự lo lắng của Bác. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, sa đọa, biến chất của một bộ phận đảng viên hôm nay, không chỉ có lỗi với dân, với Đảng mà còn có lỗi cả với vong linh của Bác.

Công tác cán bộ - Một thất bại lớn!

Năm 2002, các ông Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến câu kết, bao che cho bọn xã hội đen Năm Cam.

 

Năm 2003 là vụ tiêu cực Lã Thị Kim Oanh liên quan đến các ông Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Thiện Luân.

 

Năm 2004, vụ nhận hối lộ của ông Mai Văn Dâu rồi vụ hiếp dâm trẻ em của Lương Quốc Dũng.

 

Đầu năm 2006, đang diễn vụ PMU18 liên quan đến ông Nguyễn Việt Tiến… Hiện, vụ việc chưa dừng lại nên không biết sẽ có bao nhiêu đối tượng ở cấp bậc nào nữa mai đây rồi sẽ phải ra hầu toà? 

Chỉ trong vòng 5 năm, đã có gần một chục cán bộ cao cấp thuộc Trung ương quản lý vi phạm pháp luật bị phát hiện. Đặc biệt, có cả tội danh đặc biệt nghiêm trọng như hiếp dâm trẻ em “trời không dung...” đã đặt ra câu hỏi về công tác đào tạo bồi dưỡng, đề bạt cất nhắc, quản lý giám sát cán bộ. Vậy theo ông, đâu là khâu yếu kém nhất?

Cả ba khâu đều yếu kém trầm trọng. Tất nhiên, mỗi thời có những khó khăn, thuận lợi của nó nhưng trước đây, việc đào tạo, bồi dưỡng ai, đều lựa chọn rất kỹ, đặc biệt là phẩm chất đạo đức. Nếu có biểu hiện sai phạm là uốn nắn, xử lý ngay. Khi đề bạt, cất nhắc cũng rất công phu, nghiêm túc nên cơ bản là đúng mặc dầu không tránh khỏi sai sót. Chọn đúng, chọn trúng người là khâu khó nhất.

Cơ chế có thể có vấn đề này, vấn đề kia nhưng nếu cứ là “công bộc, đày tớ” của dân thì làm sao sa ngã được. Về quản lý giám sát, hiện nay quá lỏng lẻo. Có tham nhũng lớn như thế mà đảng bộ là vững mạnh, trong sạch, đảng viên gương mẫu, bốn tốt thì quả là giả dối. Rồi công tác giáo dục có làm nhưng chưa sâu sắc, chưa nhiều hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông nguyên là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vốn nghề nhà giáo hay tính bằng thang điểm, ông cho công tác cán bộ thời gian qua mấy điểm?

Tôi nghĩ đánh giá đúng thắng lợi cũng như đánh giá đúng thất bại là điều hết sức quan trọng và cũng là nhiệm vụ cấp bách và phải có trách nhiệm cao. Vì vậy, tôi không cho điểm cụ thể nhưng có thể nói đây là thất bại lớn trong công tác cán bộ.

Chắc không ít đồng chí đang ăn năn hối hận

Thất bại trong công tác cán bộ. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Về trách nhiệm quản lý kinh tế, tôi nghĩ không chỉ có Đảng, Chính phủ phải chịu mà Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc cũng phải chịu trách nhiệm vì chức năng giám sát của mình. Nếu Quốc hội, Mặt trận giám sát tốt thì có thể đã chủ động phát hiện vụ việc. Về công tác cán bộ, đương nhiên Đảng lãnh đạo thì Đảng phải chịu trách nhiệm tổng thể. Còn cụ thể, ai trực tiếp thì trách nhiệm lớn, ai liên quan thì trách nhiệm nhỏ.

Tôi nghĩ giờ đây, chắc không ít đồng chí đang ăn năn, hối lỗi vì nhận trách nhiệm mà chưa làm tốt, gây tổn thất lớn cho Đảng, cho dân, cho nước.

Đau xót lắm! Đau xót lắm...!

Báo cáo của Chính phủ mới đây có nói đến việc chạy chức chạy quyền. Thời kỳ ông làm Phó trưởng ban Ban Tổ chức T.Ư, có ai “chạy” ông không?

Không. Thời đó không có chuyện đó. Chúng tôi luôn tự hào vì ngành tổ chức vốn trong sạch. Nơi đó mà không sạch thì làm gì có Cách mạng Tháng Tám, có thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến...? Bây giờ, chạy chức, chạy quyền... Đau xót lắm. Đau xót lắm...!

Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung cho rằng việc bổ nhiệm mà do một người quyết định thì rất nguy hiểm nên cần phải  quyết định tập thể. Theo ông, việc bổ nhiệm hiện nay có còn thích hợp và nếu thay đổi, sẽ bằng cách nào?

Đúng là cần phải tìm ra một cơ chế mới, rát sáng tạo và điều này quá khó đối với khả năng cá nhân của tôi. Nhưng phải sáng tạo, dứt khoát phải tìm tòi cong phu để có một cơ chế nhân sự sáng tạo, phù hợp với tình hình hiện nay.

Tôi nghĩ, không thể có một cơ chế nào hoàn hảo tất cả nhưng phải đạt mục đích thành công là chính, sự sai sót phải ít, rất ít. Nó giống như một trận đánh, không thể tránh được thương vong nhưng tướng tài là người biết hạn chế thương vong ít nhất cho một thắng lợi to lớn nhất.

Xin cám ơn ông!

 

Bùi Hoàng Tám
(Thực hiện)