Thanh Hóa:
Buồn vui chuyện 2 liệt sĩ trở về
(Dân trí) - Tưởng đã ở lại với đất mẹ, vậy mà sau gần 20 năm mang danh liệt sĩ, các ông lại trở về. Tuy nhiên, sự trở về ấy lại là niềm vui không bao giờ trọn vẹn…
Đó là câu chuyện cảm động, đầy nước mắt của hai người từng được nhà nước công nhận liệt sĩ: Lê Thế Thiều (SN 1964) và Nguyễn Văn Hợp (SN 1957) ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, Thanh Hóa.
Sống mãi với những ngày đổ máu
Trở về trong niềm vui khôn xiết và sự ngỡ ngàng của họ hàng làng xóm thế nhưng thật đau lòng là cả hai “liệt sĩ” lại chẳng còn được tỉnh táo. Cứ lúc tỉnh lúc mê. Duy hình ảnh những ngày chiến tranh là ăn sâu vào tiềm thức các ông. Những lúc trong cơn mê, các ông lại hô “có bom, có bom”, “xung phong”, “đánh”…
Mỗi lần nhắc về người em trai út - “liệt sĩ” Lê Thế Thiều, đôi mắt ông Lê Thế Đính (67 tuổi, thôn Minh Châu) lại ngấn lệ, những dòng nước mắt chỉ chực muốn trào ra trên gương mặt đã sạm đi vì sương gió.
Ông kể: “Gia đình tôi có 5 anh em trai, đều là bộ đội. Sau 29 năm nhận được tin dữ chú út mất tích, hi sinh, 18 năm được nhà nước công nhận liệt sĩ (1994-2012) ở chiến trường Campuchia, cuối năm 2012 một gia đình đi tìm mộ liệt sĩ bên Campuchia báo tin về người em út của tôi vẫn còn sống. Cả gia đình tức tốc lên đường đi tìm. Dành dụm số tiền được 80 triệu đồng, sau chặng đường dài gian nan vất vả gần 15 ngày tìm kiếm trên vùng đất biên giới Campuchia - Thái Lan, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chú Thiều đang trú ngụ trong một ngôi chùa bên nước bạn”.
“Khi ấy hành trang trên người em tôi chỉ là vài ba bộ quần áo bạc màu, chiếc ba lô đã sờn đi vì năm tháng, không vợ con, đầu óc khi tỉnh khi mê. Gặp lại em sau gần 30 năm xa cách nhưng tôi nhận ra ngay, anh em vui mừng khôn xiết...” - ông Đính rưng rưng nhớ lại.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Về ở với gia đình gần 3 tháng nhưng ông Thiều lúc tỉnh, lúc mê, thần kinh không ổn định bởi những vết thương trên đầu ảnh hưởng đến. Gia đình đã đưa đi chữa trị ở bệnh viện nhưng trí nhớ cũng chẳng cải thiện được nhiều. Cứ đưa đi viện được ít ngày, ông Thiều lại trốn về
Ông Đính buồn bã cho biết có những lúc không tỉnh táo, ông Thiều còn phá phách đồ trong nhà, rồi đánh cả ông. Chiếc ba lô đã sờn với vài ba bộ quần áo cũ lúc nào cũng được ông Thiều gói gém cẩn thận để “sẵn sàng hành quân”.
“Có đêm đang ngủ, chú ấy bật dậy chạy ra sân hô to: “Có bom, có bom”, “xung phong”, “đánh”... làm người nhà phát hoảng. Bản thân tôi cũng là một người bộ đội, đã tham gia ở các chiến trường nên phần nào hiểu được những mất mát, hi sinh, những ký ức, nghĩa tình người lính...” – ông Đính tâm sự.
Cũng giống như trường hợp ông Thiều, ông Nguyễn Văn Hợp (SN 1957, thôn Minh Xuân) trở về sau 17 năm (1994-2011) được nhà nước công nhận là liệt sĩ.
Trở về nhưng tâm trí của “liệt sĩ” Hợp lúc nào cũng như đang sống trong trận chiến. Lúc nào cũng luôn miệng nói “chiến đấu”.
Ông Nguyễn Văn Hội, em trai của ông Hợp kể : “Năm 1979, anh Hợp tham gia huấn luyện ở Sư 42, rồi sau đó đơn vị di chuyển vào Vũng Tàu. Khi chiến tranh biên giới ở Campuchia nổ ra, đơn vị anh Hợp tham gia chiến đấu ở Campuchia. Cũng từ đó gia đình tôi chẳng còn tin tức về anh Hợp nữa. Năm 1990, gia đình tôi có làm đơn đề nghị tới các cấp chính quyền xem xét, tìm kiếm. Đến 1994, nhà nước chính thức công nhận anh Hợp là liệt sĩ”.
“Bẵng đi một thời gian, năm 2011 có người trong xã đi làm kinh tế ở Đồng Nai gọi về báo rằng anh tôi vẫn còn sống. Đến ngày 14/7/2011, sau bao nỗ lực tìm kiếm, gia đình tôi đã đưa được anh về. Về nhà nhưng anh dường như đã mất hết trí nhớ. Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chiến đấu.” – ông Hội nhớ lại.
Một lần nữa không trở về…
Điều đáng buồn là trở về nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng, “liệt sĩ” Thiều khi thì lang thang trong làng, trong xã, có khi lại đi sang cả những xã bên rồi không nhớ đường về.
Đầu năm 2013, sau gần 3 tháng ở nhà, ông Thiều lại bỏ đi vào mãi tận An Giang, Cần Thơ – nơi chiến trường xưa có những người đồng đội của ông đã ngã xuống. Ông Thiều được người trong đó thông báo về nên được gia đình vào tận nơi đón. Thế nhưng, một tháng sau khi trở về thì ông lại bỏ đi. “Khi đi cũng chỉ mang theo chiếc ba lô cũ, vài bộ quần áo, tấm bằng Tổ quốc ghi công... đến nay đã 3 năm trôi qua gia đình vẫn “bặt vô âm tín” – ông Đính nói.
Còn “liệt sĩ” Hợp thì trở về được 3 tháng. Ban ngày đi lang thang trong làng, trong xã, tối thì đòi ra rìa đường nằm. Đến tháng 10/2011, thì ông Hợp bỏ đi cho đến nay gia đình không còn tin tức về ông nữa.
Cho đến nay, hai "liệt sĩ" lại một lần nữa không trở về khiến người nhà các ông vô cùng trăn trở
Ông Lường Khắc Nam, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin về hai trường hợp ông Lê Thế Thiều, Nguyễn Văn Hợp trở về quê sau gần 20 năm được công nhân liệt sĩ, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống tận gia đình để thăm hỏi động viên sức khỏe đồng thời báo cáo sự việc lên Ban chỉ huy quân sự và Phòng LĐTB&XH huyện để cắt chế độ hương khói và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để các ông được hưởng chế độ theo quy định của nhà nước. Chính quyền xã cũng đã hướng dẫn, tạo điều kiện hết mức cho gia đình với mong muốn bù đắp phần nào đó những thiệt thòi, hi sinh mà các ông đã gánh chịu trong suốt những năm qua”.
“Về lâu dài sau khi “trả” danh hiệu liệt sĩ, để đảm bảo những quyền lợi, chế độ với những đóng góp, hi sinh của các ông, Phòng cũng đã phối hợp với Huyện đội, chính quyền địa phương tìm phương án giải quyết. Gia đình đã có kiến nghị, đề xuất, tuy nhiên, cái khó nhất đến thời điểm hiện tại là cả hai ông đều không còn ở địa phương nên mọi chế độ, thủ tục vẫn chưa thể thực hiện được...” - ông Lê Đình Bốn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống trăn trở.
Bình Minh