1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Buôn sữa Trung Quốc: Siêu lợi nhuận

(Dân trí) - Giá sữa bột Trung Quốc khoảng 2.200USD/tấn, trong khi một tấn sữa bột cùng loại của Mỹ hoặc một số nước khác là 4.200 USD trở lên. Sự chênh lệch quá lớn này khiến không nhiều doanh nghiệp muốn bỏ qua cơ hội kiếm lời.

Quyết không khai báo!

Liên tục gọi điện hỏi địa chỉ cụ thể, lộn đi lộn lại nhiều lần ở khu vực phố Thái Hà, đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội vẫn chưa tìm thấy “đại bản doanh” của Cty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Hoàng Lâm. Sau nhiều cú điện thoại gay gắt nữa, đoàn mới có địa chỉ mới của Cty này tại 136 Hồ Tùng Mậu. Đưa những thông tin, chứng cứ cụ thể về 42 tấn bột sữa béo Full cream milk powder xuất xứ Trung Quốc đã được Công ty nhập về, đoàn mới được cung cấp hoá đơn chứng từ nhập khẩu liên quan quan đến số hàng hoá nói trên.

Theo hoá đơn bán hàng của Công ty này, đã có 17 tấn bột sữa béo Full cream milk powder được Công ty CP sữa Hà Nội (Hanoimilk) mua; 18 tấn cùng loại bán cho Công ty Anco (đóng ở Ba Vì).

Số bột sữa béo còn lại, được bán cho các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có nhu cầu (trong đó có một số cơ sở sản xuất ở làng nghề La Phù).

Công ty Nuti Food khẳng định không mua bột sữa béo của Công ty Hoàng Lâm.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, sai phạm của Công ty Hoàng Lâm đã được xác định: Kinh doanh sản phẩm khi chưa có giấy chứng nhận do Cục ATVSTP cấp.

Từ đầu mối này đoàn thanh tra Bộ Y tế đã tìm đến Hanoimilk. Chỉ cách đây vài hôm, thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra Công ty này, nhưng Công ty đã không khai báo và qua kiểm tra kho cũng không phát hiện được số sữa Trung Quốc đang lưu giữ tại đây.

Chỉ sau khi nhận được những thông tin từ cơ quan hải quan và thông tin từ Công ty Hoàng Lâm thì Hanoimilk mới thừa nhận đã nhập 375 tấn sữa Whole Milk Powder của Công ty Longcom Enterprise Ltd. (Trung Quốc). Tại kho của Công ty vẫn còn chứa 280 tấn, trong đó có gần 100 tấn đã cận “đát”.

Theo giải trình của ông Trần Đăng Tuấn - GĐ Công ty, toàn bộ số sữa nhập khẩu chỉ để kinh doanh.

Hiện, số sữa này đã được niêm phong và lấy mẫu xét nghiệm. Cũng theo ông Nguyễn Việt Cường, Sở Y tế Hà Nội đã gửi 2 mẫu sữa của Công ty Vinamilk và 2 mẫu sữa của Công ty Anco lên Viện Dinh dưỡng để xét nghiệm. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.

Siêu lợi nhuận - khó bỏ qua!

Theo tiết lộ cuả 1 “lái buôn” chuyên kinh doanh sữa bột. Hiện Việt Nam chưa có công nghệ đông cô sữa bột, nên mặt hàng này hoàn toàn phải nhập khẩu. Giá sữa bột Trung Quốc chỉ khoảng 2.200USD/tấn, trong khi đó muốn mua một tấn sữa bột cùng loại của Mỹ hoặc một số nước khác, giá phải trả lên tới 4.200 USD trở lên.

Chính vì sự chênh lệch quá lớn này, không nhiều doanh nghiệp buôn bán hay sản xuất sữa ở Việt Nam muốn bỏ qua cơ hội kiếm lời.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cũng thừa nhận, chưa thể thống kê trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm sữa có xuất xứ Trung Quốc, bởi con đường đi của sữa và các sản phẩm từ sữa rất khó kiểm soát. Thậm chí, sữa bột Trung Quốc được chuyển sang đóng gói ở một nước thứ ba rồi mới được nhập khẩu vào nước ta.

Hôm nay (25/9), đoàn thanh tra của Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất sữa đang có “nghi án” nhập khẩu và buôn bán sữa Trung Quốc.

P. Thanh