Buôn “hàng cấm” vùng biên
(Dân trí) - Giữa tháng 3/2008, Công an thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị) đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy trái phép. Đây chỉ là “bề nổi” trong vô số những phi vụ buôn bán ngầm chất gây nghiện qua cửa khẩu ở thị trấn vùng biên này.
Những “thánh địa” ma túy
Theo chân N, một đối tượng chuyên mua gỗ lậu từ Lào về bán ở Việt Nam, tôi được đến những bản làng nằm dọc theo tuyến đường chính của Lào - nơi được dân buôn gỗ mệnh danh là “thánh địa” của ma túy! Những loại thuốc gây nghiện chủ yếu có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan được các đối tượng thu mua từ những bản nằm trên đất Lào. Phần lớn người dân ở các “thánh địa” này vừa nghiện hút vừa tham gia buôn bán trái phép các loại thuốc gây nghiện.
Một địa điểm buôn bán bồ đà, hồng phiến, cần sa… gần cửa khẩu Lao Bảo nhất là chợ Karôn. Đây là phố chợ có nhiều người Việt kinh doanh, sinh sống. Các đối tượng mua thuốc từ chợ này đưa về Viêt Nam theo 2 con đường: qua cửa khẩu hoặc đi đường rừng, vượt sông Sêpôn về địa phận VN.
Do đây là chợ nằm sát biên giới nước ta nên các loại thuốc gây nghiện có giá “mềm” hơn. T, một đối tượng chuyên thu mua và bán lại các loại “hàng” ở chợ Karôn, ngã giá: “Thuốc ở đây là giá rẻ nhất rồi đó! Một bì bồ đà chỉ 20.000đ thôi, loại này nhẹ lắm, muốn chơi “phê” hơn thì mua hồng phiến, một viên 70.000đ tiền Việt”.
Cách chợ Karôn khoảng 4 km là bản Phường. Đây là “thánh địa” của gỗ lậu và hồng phiến. Vào nhà bất kì một hộ dân nào ở bản này đều được mời chào bằng những gói bồ đà, hồng phiến, cần sa. Anh Huy, một người dân buôn bán ở đây cho biết: “Ở bản này người ta mua bán thứ này như rau cải; dùng hút như thuốc bình thường vậy. Vì thế mà thanh niên trong bản ai đi làm xa thì thôi chứ quanh quẩn ở nhà là… nghiện!”.
Thuốc còn được đem bán cho những công nhân, cửu vạn người Việt mưu sinh trên đất Lào. “Làm việc nặng thì phải hút thuốc này mới làm nổi. Khi nào về bên mình bỏ là được có gì mà sợ?!”, một cử vạn cho hay.
Bản Phường là nơi các đối tượng thu mua gỗ lậu, thuốc gây nghiện chọn làm điểm tập kết “hàng”. Từ đây sẽ trung chuyển về chợ Karôn hoặc tuồn qua cửa khẩu Lao Bảo bằng đường rừng.
Càng đi xa, giá các loại thuốc này càng đắt. Tại bản Phường, 10 viên hồng phiến được bán với giá 800.000đ tiền Việt, song tại SêMun, Bản Đông, huyện Vi Lã, số thuốc này đã được “hét” với giá từ 120.000-150.000đ tiền Việt/viên.
Thuốc không chỉ được bán hay nhập lậu về Việt Nam mà còn để cung cấp cho một số vũ trường trên đất Lào. Theo chân N, tôi cũng được chứng kiến tại một vũ trường thuộc huyện SêPôn, các đối tượng chia thuốc làm nhiều gói nhỏ, đem bán khá công khai cho dân chơi.
Ma túy “chảy” qua cửa khẩu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng mua bán mặt hàng này chủ yếu là người ở thị trấn Lao Bảo, Khe Sanh… Một điều dễ nhận thấy là việc sử dụng CMND qua lại cửa khẩu một cách dễ dàng đã vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này buôn bán chất gây nghiện trái phép. Chỉ cần đến cửa khẩu xuất trình giấy CMND có kẻ ngang (chứng tỏ là người khu vực biên giới) là có thể qua lại của khẩu trong ngày.
Những đối tượng buôn thuốc này dùng xe máy vào tận các bản làng thu mua “hàng”, sau đó vô tư bỏ vào cốp xe, áo ấm chạy qua cửa khẩu mà không gặp bất cứ sự kiểm soát, cản trở nào. Anh Phan Văn Kiên, một chiến sĩ biên phòng ở đây cho hay: “Nếu đi về trong ngày chỉ cần có giấy chứng minh là được, không cần giấy thông hành đâu. Nhưng nhiều lúc anh em “quen” thì đi cả tháng về cũng chẳng sao!”.
Thực tế thì các đối tượng buôn gỗ, thuốc phiện chủ động tạo nên mối quan hệ “quen biết” này để qua lại cửa khẩu. Nhiều người thường xuyên qua lại buôn bán tại cửa khẩu cho biết nếu “lỡ” qua cửa khẩu mà gặp Công an Lào kiểm tra giấy thông hành thì chỉ cần “làm luật” 10.000 tiền kíp (khoảng 17.000đ tiền Việt) là được.
Giấy thông hành làm ở phòng xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Lao Bảo quy định thời hạn 6 tháng trên đất Lào. Tuy nhiên, giấy này trên đất Lào chỉ quy định thời hạn là 7 ngày. Như thế, hầu hết những đối tượng buôn hàng cấm đã lưu lại trên đất Lào trái phép.
Trong năm 2007 ngành chức năng đã bắt được hàng chục vụ buôn bán các loại hàng hoá cấm. Đặc biệt là các loại thuốc kích thích gây nghiện luôn cuốn hút nhiều đối tượng tham gia. Nguy hại hơn, có những học sinh “quẳng sách” tham gia vào đường dây buôn bán hàng trái phép! Một số quán cà phê trên địa bàn thị trấn đã trở thành địa điểm cho những học sinh này “thử” thuốc!
Cơ chế qua lại cửa khẩu diễn ra khá “thoáng” làm cho tình trạng buôn bán hàng cấm diễn ra phức tạp khó kiểm soát hơn. Đến nay chưa thấy ngành chức năng ở cửa khẩu Lao Bảo có biện pháp cứng rắn để ngăn chặn thực trạng này.
Duy Phiên