Buộc ghi nhãn với thực phẩm biến đổi gen
(Dân trí) – Buổi thảo luận cuối trước khi dự luật An toàn thực phẩm được xem xét trong kỳ họp QH tháng 5 tới, UB thường vụ quyết định "duyệt trước" điều luật phải ghi nhãn đối với tất cả thực phẩm biến đổi gen. Tuy nhiên, tỷ lệ biến đổi phải công khai vẫn bỏ lửng.
Chủ nhiệm UB khoa học công nghệ Đặng Vũ Minh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị chỉ cần ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen khi tỷ lệ nguyên liệu biến đổi gen từ 3% trở lên để giảm bớt chi phí về ghi nhãn và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Ngược lại, Mỹ, Argentina, Canada, Malaysia, Philippines thì không quy định việc buộc ghi chú “thực phẩm biến đổi gen” trên nhãn thực phẩm. Loại thực phẩm này được áp các quy định quản lý như đối với thực phẩm thông thường.
Ông Đặng Vũ Minh phân tích, hiện chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định loại thực phẩm này có hại cho cơ thể con người. Ngay cả những ngưỡng tỷ lệ 0,9% hay tới 5% một số nước đã đặt ra để giới hạn thực phẩm biến đổi gen cũng chưa có căn cứ nào biện giải. Tuy nhiên vẫn luôn còn những lo ngại về tác động lâu dài của loại thực phẩm này.
Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm lớn trên thế giới, ngành công nghệ sinh học, đặc biệt công nghệ gen còn mới mẻ, việc sản xuất, chế biến thực phẩm biến đổi gen mới đang ở giai đoạn nghiên cứu, nguồn thực phẩm này chủ yếu là hàng nhập khẩu. Do đó, theo UB khoa học công nghệ, việc quy định ghi nhãn cần phù hợp với những điều kiện thực tế này.
Chủ nhiệm UB pháp luật Nguyễn Văn Thuận “bỏ phiếu” cho quy định buộc ghi nhãn nhưng nếu áp một tỷ lệ nhất định trong luật thì khó cho xuất khẩu. Ông Thuận đề nghị để Chính phủ quy định trong các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Tuy nhiên, chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại cho rằng quy định chung chung nghĩa là chưa có bước dự báo xác đáng về loại thực phẩm này. Bà Mai cảnh báo công nghệ thực phẩm biến đổi gen sẽ phát triển rất nhanh, chỉ một vài năm nữa nên luật cần tăng cường tính dự báo để đón đầu thời gian sắp tới.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thì đặt vấn đề đạo lý đối với việc quy định buộc ghi nhãn. Theo đó, đạo lý cơ bản nhất là đảm bảo quyền của người tiêu dùng phải được biết về nguồn gốc hàng hóa, để có thể tự phân biệt, lựa chọn món hàng sẽ mua.
Quan điểm thống nhất cuối cùng được tổng kết là buộc ghi rõ dòng chữ “biến đổi gen” trên nhãn loại sản phẩm này. Tuy nhiên, việc ghi nhãn cụ thể thế, lộ trình thực hiện, loại thực phẩm biến đổi gen và mức tỷ lệ nguyên liệu biến đổi thế nào sẽ do Chính phủ quy định, căn cứ vào kết quả nghiên cứu khoa học về mức độ an toàn của loại thực phẩm này và khả năng phân tích của các phòng thí nghiệm.
Vấn đề quản lý với thực phẩm sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ được đánh giá liên quan tới đời sống của 9,4 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông sản và người kinh doanh cá thể tại các chợ. Mức độ tác động lớn mà chỉ có 1 điều luật duy nhất trong dự thảo luật là “theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành” vẫn còn nhiều băn khoăn là chưa tương xứng.
Rà lại việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, hiện công tác này được phân cho 8 Bộ; quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có 5 Bộ cùng tham gia. Dự luật lần này đã xác định giao cho Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT quản lý theo chuỗi từ khâu đầu đến khâu cuối chu trình “từ cánh đồng đến bàn ăn”, Bộ Công thương giữ khâu trung gian phân phối.
Sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, dự luật An toàn thực phẩm gồm 12 chương, 75 điều sẽ được QH xem xét thông qua, dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào năm tới 2011.
P.Thảo