Bước đầu hình thành văn hóa từ chức, văn hóa liêm chính
Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận 20 của Bộ Chính trị không chỉ góp phần kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút, mà còn bước đầu hình thành văn hóa từ chức.
Ngày 5/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết nối với hơn 11.000 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập Nghị quyết.
Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội trong toàn hệ thống chính trị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên trong triển khai, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để sớm đưa nội dung văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào thực tiễn cuộc sống.
Bước đầu hình thành văn hóa từ chức
Truyền đạt Nghị quyết 28 về "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, định hướng chính sách, chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; qua phương thức tổ chức cán bộ; kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
"Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực phẩm chất và hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Tăng cường chế độ, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Ngoài 5 phương thức thì cũng nhấn mạnh việc quản lý đội ngũ cán bộ, đấy là trách nhiệm của Đảng. Đảng phải giới thiệu cho được những đảng viên ưu tú có đủ năng lực, phẩm chất để hoạt động trong các cơ quan hệ thống chính trị", bà Trương Thị Mai cho biết.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. (Ảnh: VOV).
Nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thời gian qua, đặc biệt là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, bà Trương Thị Mai nêu rõ, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Ðảng. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng. Đặc biệt, Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đến Kết luận 20 của Bộ Chính trị đã góp phần kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút mà còn bước đầu hình thành văn hóa từ chức.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, qua hai tháng thực hiện Thông báo 20 của Bộ Chính trị đã có 3 người thôi tham gia BCH Trung ương khóa XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác. Hai Thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ hưu trước tuổi. Hai Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh thôi giữ các chức vụ công tác hoặc bố trí công tác khác…
"Thông báo 20 rất nghiêm. Cán bộ đã bị kỷ luật rồi, không còn uy tín để làm việc nữa, dư luận bức xúc thì cán bộ cũng tự nguyện xin thôi hoặc là nếu không xin thôi, còn trẻ tuổi, bố trí tạo điều kiện cho tiếp tục phấn đấu, nhưng cũng không để ở vị trí cũ", bà Trương Thị Mai cho biết.
Phân tích làm sâu sắc thêm 3 quan điểm và 3 mục tiêu của Nghị quyết 28, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Trong những nhiệm vụ giải pháp thời gian tới, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản có trọng tâm, tính dự báo cao, bám sát thực tiễn. Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết.
"Cấp ủy tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo định hướng, cho chủ trương đối với vấn đề lớn, mới, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện và phải cho chủ trương để thí điểm một số nội dung cần thiết. Chỗ này hết sức lưu ý, nhiều khi xong rồi không biết quy trách nhiệm cho ai. Đây là chủ động, sâu sát của các cấp ủy tổ chức Đảng đối với những vấn đề mới, lớn, phúc tạp phải phải thường xuyên cho ý kiến lãnh đạo, định hướng đối những vấn đề cần thiết phải thí điểm", bà Trương Thị Mai cho biết.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao trách nhiệm, tính tự giác, gương mẫu của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên. Bảo đảm nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ. Ðánh giá cán bộ phải toàn diện, thực chất, khách quan, nhiều chiều cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong nhân dân. Phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Xây dựng văn hóa liêm chính
Trước đó, sáng nay, hội nghị nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trình bày chuyên đề "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. (Ảnh: VOV).
Ông Phan Đình Trạc nêu rõ: Nghị quyết Trung ương khẳng định 8 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa phù hợp với những đặc trưng, giá trị phổ quát Nhà nước pháp quyền đã được thế giới công nhận; vừa thể hiện được tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền của XHCN Việt Nam.
Nhấn mạnh Nghị quyết lần này yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Phan Đình Trạc khẳng định: Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh đến xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không muốn tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiên minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
"Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân chuyên nghiệp, pháp quyền hiện đại, hiệu lực hiệu quả. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp hiện đại, công bằng nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng tiêu cực", ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Theo chương trình ngày mai (6/12), Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục truyền đạt chuyên đề: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chuyên đề: Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.