1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Buộc dân đóng tiền mới phun thuốc diệt muỗi!

Hàng chục hộ gia đình ở dọc theo rạch Rạp (ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có trẻ em bị sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó có một ca nặng. Nhưng y tế xã buộc bà con phải đóng tiền mới phun thuốc dập dịch!

Có 700.000 đồng mới “xuôi”

 

Ông Nguyễn Phước Đạt - trưởng ban nhân dân ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận - cho biết: anh Lê Thiện Tài (25 tuổi) đã đưa cho ông giấy ra viện của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bình Dân (An Giang) xác nhận anh Tài nằm viện từ ngày 11 đến 15/5, vì mắc sốt xuất huyết (SXH). Lúc này, có hàng chục hộ lân cận nhà anh Tài, ở dọc theo rạch Rạp có con nít bị nóng sốt, gia đình phải đưa đi bác sĩ tư. Trong đó có hai em điều trị nội trú ở BVĐK trung tâm An Giang. Ông Đạt đã hoảng sợ gọi điện thoại báo cho y tế xã và vận động bà con làm vệ sinh môi trường.

 

Đến ngày 18/5, ông Hồ Hoàng Nghĩa (phó trạm y tế xã Thới Thuận) và ông Đỗ Duy Tiến (chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã) đã đến yêu cầu bà con kiểm tra các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Tuy nhiên, khi người dân đề nghị phun thuốc diệt muỗi thì ông Nghĩa nói: “Theo qui định, phải có ca mắc SXH độ III thì xã mới phun thuốc dập dịch. Trong trường hợp này, do bà con yêu cầu nên phải thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con phải hùn số tiền 700.000 đồng cho chi phí 1 lít hóa chất và 20 lít dầu”.

 

Người dân không đồng ý. Từ đó đến nhiều ngày sau, không hề có cán bộ y tế vào ấp. Tình hình trẻ em bị nóng sốt vẫn tiếp tục xảy ra. Ông Đạt nhẩm tính: “Tổng cộng có hơn 20 em, sáng 24/5 tôi đã gọi điện thoại báo với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thốt Nốt nhưng chờ suốt ngày cũng chưa thấy ai đến!”.

 

Dân bệnh kệ dân!

 

Ông Lê Văn Giúp (72 tuổi, bố anh Lê Thiện Tài) cho biết: “Khi ông Nghĩa đến đây, trong nhà tôi đã có bốn cháu bị SXH phải đi bác sĩ tư. Bốn ngày sau khi ông Nghĩa đến đây, gia đình tôi có thêm cháu Lê Thiện Chiến (9 tuổi) bị sốt SXH phải chuyển gấp đến BVĐK trung tâm An Giang. Đợt bệnh này, gia đình tôi đã tiêu tốn trên 3 triệu đồng tiền thuốc, các con tôi đều phải làm thuê lấy đâu ra tiền để đóng cho địa phương phun thuốc xịt muỗi!”.

 

Thực tế, từ ngày 10/5, ở ấp Thới Thạnh đã có ca mắc SXH độ III, đó là cháu Trần Thị Thu Hồng, 7 tuổi. Do cha mẹ Hồng đi vắng nên giấy nằm viện của cháu không được đưa đến y tế xã.

 

Ông Lê Văn Kết có hai người con bị SXH nói: “Chúng tôi rất sợ cảnh BVĐK Thốt Nốt bị quá tải, trẻ em thường phải nằm đôi rất vất vả, nên đã đưa con em đến cơ sở y tế ở TP Long Xuyên (An Giang) để điều trị. Từ đây đến Long Xuyên còn gần hơn về thị trấn Thốt Nốt, chúng tôi báo dịch nếu y tế xã không tin thì tại sao không xác minh để kịp thời phun thuốc dập dịch”.

 

Tuy nhiên, ông Dư Thành Vĩnh, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thốt Nốt, nói: “Người dân điều trị trái tuyến chúng tôi không có chức năng liên hệ ngoài địa bàn”.

 

Bác sĩ Bùi Văn Khanh, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thốt Nốt, khẳng định: “Không hề có tình trạng cơ sở xảy ra ổ dịch mà ngành y tế dự phòng không biết. Trường hợp người dân điều trị trái tuyến, các bệnh viện có trách nhiệm báo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, rồi nơi đây sẽ báo về huyện”.

 

Khi bài báo này lên khuôn, bà con vùng rạch Rạp mới được Trung tâm Y tế dự phòng huyện Thốt Nốt đến phun thuốc dập dịch. Về việc y tế xã có chủ trương thu 700.000 đồng của dân, ông Khanh nói: “Mỗi lít hóa chất giá 500.000 đồng, do ngân sách chi trả và ngành y tế cung cấp đầy đủ. Xã chỉ tốn có vài lít dầu mỗi lần phun thuốc, nếu vận động nhân dân đóng góp thì cũng đâu có nhiều dữ vậy! Nhưng việc người dân đóng tiền, y tế dự phòng huyện hổng được biết”.

 

Theo Thái Hoà

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm