1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Bụi đá tung mù đường xuyên Á

(Dân trí) - Chỉ một đoạn đường chưa đầy 500m tập trung liên tiếp các cơ sở khai thác đá. Các điểm này chỉ cách tuyến Quốc lộ 9 - tuyến đường xuyên Á - khoảng 50-100m khiến con đường này mù mịt bụi, mặt đường đầy đá dăm.

Bụi đá tung mù đường xuyên Á - 1

Cơ sở sản xuất đá của HTX khai thác đá Thượng Lâm tung bụi mù mịt khắp Quốc lộ 9. Giám đốc cơ sở vẫn muốn "khoe" với PV những bằng khen về... bảo vệ môi trường.

 

Con đường xuyên Á (Quốc lộ 9) đi qua huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được xem là tuyến đường giao lưu về kinh tế - văn hóa với Thái Lan, Lào. Nhưng những gì mà các doanh nghiệp khai thác đá ở đây đang làm đã đánh mất đi thiện cảm trong mắt du khách nước ngoài.

 

Mỗi khi các cơ sở hoạt động, cả đoạn đường và các khu dân cư lân cận phủ một màu trắng xóa của bụi đá.

 

Phía bên này là công trường sản xuất đá của Hợp tác xã khai thác đá Thượng Lâm; đối diện là công trường khai thác đá của Xí nghiệp khai thác đá Tân Lâm (đơn vị thành viên của Công ty CP Thiên Tân). Nằm cách Quốc lộ 9 khoảng 30-50m, không một vật dụng che chắn, không một trang thiết bị thu, hút bụi, mỗi khi các cơ sở này đập đá, sàng đá… bụi vô tư “tung hỏa mù”.

 

Cách đó không xa là công ty TNHH Minh Hưng với hàng trăm lượt xe tải chở đá chạy rầm rộ trên Quốc lộ 9 mỗi ngày, kéo theo bụi bẩn là đá rải đầy mặt đường; gây nguy hiểm cho bất cứ phương tiện nào qua đây.
 
Bụi đá tung mù đường xuyên Á - 2

 

Ông Nguyễn Văn Cường, người dân thường phải đi qua quãng đường này, cho biết: “Đá rải đầy đường thế này nguy hiểm lắm! Cách đây 2 tháng, tôi chạy qua đây phanh gấp, do đá rải mặt đường này nên té ngã, may chỉ bị xây xước. Còn bụi thì khỏi phải nói, độc lắm, trong bụi đá hàm lượng silic cao, hít nhiều là mắc bệnh xơ phổi liền”.

 

Anh Trần Văn D. sống gần các mỏ đá này than: “Bụi đá bám khắp nơi, từ ngoài vườn vào trong nhà. Không chỉ không khí mà nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Sau này ai bù đắp cho chúng tôi? Rồi mai đây bụi đá làm cho đất đai bạc màu đi, dân toàn làm nông, lúc đó bỏ xứ mà đi à?”.

 

Trao đổi với phóng viên Dân trí về những bức xúc nêu trên, ông Nguyễn Thanh Toán - Phó Phòng Tài nguyên môi trường huyện Cam Lộ, cho hay: “Người dân phản ứng rất nhiều! Chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng đơn vị chỉ nắm về mặt quản lí nên rất khó để xử lí”.

 

Được biết tháng 6/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt Công ty TNHH Thiên Tân 9 triệu đồng, Công ty TNHH Minh Hưng 10 triệu đồng do gây ô nhiễm môi trường. Trong khi 2 cơ sở này đang triển khai các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm thì các đơn vị khai thác đá khác vẫn ung dung tung bụi.
 
Bụi đá tung mù đường xuyên Á - 3
Một trái núi nham nhở, một đoạn đường mịt mùng bụi đá!

 

Tại Hợp tác xã khai thác đá Thượng Lâm, giàn sàng đá đang hoạt động, bụi bay mịt mù trùm cả tuyến Quốc lộ 9, thế mà ông Ngô Văn Quế - Chủ nhiệm HTX - vẫn thản nhiên: “Ai nói gây ô nhiễm môi trường? Tôi nhận rất nhiều bằng khen về bảo vệ môi trường! Anh xem bằng khen không tôi đưa anh xem?”.

 

Thay cho lời kết, phóng viên xin chuyển lời tâm sự của một người đã 20 năm làm du lịch tại miền Trung: “Chúng ta đang kêu gọi xúc tiến du lịch, đầu tư trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây này, rồi du lịch xuyên Á, đoàn xe Caravan… đủ mọi loại hình. Thế tại sao chúng ta lại đang tự làm xấu mình: qua cửa khẩu Lao Bảo trên tuyến đường là rừng núi xanh bao la, thế mà đến gần trung tâm tỉnh thì một trái núi nham nhở, một đoạn đường mịt mùng bụi đá?”.

 

Ô Châu