1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Bức xúc từ số nhà đến tên đường!

(Dân trí) - Tên đường trùng nhau, vừa tiếng tây vừa tiếng ta, số nhỏ “nhảy cóc” sang số lớn, hai đầu đường đều có nhà số 1… Hiếm có nơi nào, tình trạng đánh kí hiệu số nhà, tên đường lại bát nháo và gây “ức chế” cho người dân như ở TPHCM.

Lộn xộn khu Phú Mỹ Hưng

 

Cách đây 10 năm, UBND TPHCM đã ban hành quyết định triển khai khắc phục tình trạng loạn số nhà, tên đường tại các quận, huyện. Tuy nhiên cho đến nay mới có bốn quận hoàn tất việc chỉnh sửa số nhà, trùng tên đường, bảy quận đạt 90%, còn lại thì vẫn đang trong tình trạng rối rắm. Riêng quận Gò Vấp còn khoảng 26.000 căn nhà đang chờ cấp số.

 

Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, tình trạng số nhà và tên đường cũng gây nhiều phiền toái cho người dân. Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân từ nơi khác tới than thở: “Sáng nay tôi được người bạn mời tới nhà chơi tại khu Mỹ Hào nhưng đi mãi cũng chưa tìm ra. Hỏi thăm thì nhiều người không biết, tôi đành gọi bạn ra đón”.

 

Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, việc đặt số nhà hiện nay do ba đơn vị cùng chịu trách nhiệm nên có nơi thì dùng số của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng tạm cấp, nơi thì treo biển số nhà do Ban Quản lý khu đô thị phía Nam, nơi thì được hướng dẫn từ UBND quận 7.

 

Một lãnh đạo của Ban Quản lý khu đô thị phía Nam cũng thừa nhận: “Ngay chính tôi cũng lúng túng chứ nói chi những người ở nơi khác. Nhiều người có việc cần đến trụ sở của Ban quản lý Khu đô thị phía Nam cũng than khó tìm. Còn những người sống ở đây, có lẽ họ đã quen nên chưa thấy nói gì”.

 

Việc đặt tên đường tại khu Phú Mỹ Hưng còn có một đặc điểm mà các nơi khác không có, đó là dưới các biển tên đường bằng tiếng Việt là những dòng chữ tiếng nước ngoài như Nguyễn Bính - R SOUTH St; N-Nam - N South St; hoặc Phạm Văn Nghị - Bắc - T NORTH St...

 

Còn với các cụm nhà như Sky Garden, Mỹ Hưng, Mỹ Cảnh, Mỹ Hào, Nam Quang I, Mỹ Kim II..., việc gắn số nhà thường lấy căn cứ như sau: AOO7 Hưng Vượng 1, Nguyễn Văn Linh; H2 Đại lộ Nguyễn Văn Linh; D1-17 Mỹ Toàn...

 

Tại các quận, huyện khác thì việc đặt tên đường và số nhà muôn vàn kiểu. Các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (quận Phú Nhuận), Phan Xích Long (quận Bình Thạnh) Quang Trung, Lê Lai (quận Gò Vấp)... số nhà theo kiểu A, B, C vẫn loạn xạ, số chẵn nằm cùng số lẻ, số nhỏ tự nhiên chuyển qua số lớn rồi lại số nhỏ, số 1 thì lại nằm ở cả hai đầu của một đường... Ngay tại đường Nguyễn Oanh, có số được lặp đi lặp lại nhiều lần như đánh đố người đi tìm nhà.

 

Bức xúc từ số nhà đến tên đường! - 1

Tên đường vừa tây, vừa ta tại Phú Mỹ Hưng. (Ảnh: Lan Phương)

 

 

“Rối rắm” quy trình đặt tên, đánh số

 

Điều đáng nói là ngay từ quy trình phê duyệt, thủ tục đánh số nhà, đặt tên đường đã “rối như canh hẹ”.

 

Lý giải về tình trạng lộn xộn số nhà, tên đường tại Khu Đô thị phía Nam, Trưởng phòng đất đai môi trường - đại diện Ban quản lý khu đô thị phía Nam cho biết: “Năm 2002, UBND thành phố đã cấp 23 tên đường cho Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tháng 9/2008, chúng tôi đã có văn bản trình lên thành phố xin đặt tên cho 20 đường chưa có tên”. 

 

Ban quản lý cho biết thêm, Ban quản lý và Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã thống nhất sẽ chuyển giao việc quản lý số nhà, tên đường cho UBND quận 7 vào đầu năm 2009. Trong buổi làm việc cách đây mấy tháng, hai bên đều nhất trí triển khai thống nhất số nhà tên đường. Còn việc hiện tại vẫn chưa có gì thay đổi là thuộc trách nhiệm của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng và các sở ban ngành liên quan.

 

- Toàn thành phố có hơn 180.000 căn nhà cần được chỉnh sửa hoặc cấp mới số nhà, hơn 500 con đường chờ đặt tên chính thức.

 

- Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND thành phố kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng để tiếp tục triển khai cấp số nhà trong thời gian tới ở 4 quận: Bình Tân (20.955 căn), quận 12 (2.706 căn), Gò Vấp (100.000 căn nhà) và huyện Bình Chánh (25.000 căn).

(Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác cấp và chỉnh sửa số nhà sau hơn mười năm thực hiện quyết định số 1958 ngày 13/4/1998 của UBND TPHCM ngày 27/11.)

Tại cuộc họp ngày 27/11, hầu hết các cơ quan liên quan đều “ca điệp khúc” nguyên nhân chậm là do thủ tục. Trưởng Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp cho rằng việc này bắt đầu từ việc chờ tên đường, rồi chờ các dự án, một số quận mới, vùng ven chưa có tên đường hoặc tên không chính thức thì chưa thể cấp mới hoặc chỉnh sửa số nhà.

 

Sở Xây dựng cho hay đã gửi văn bản lên Sở Văn hoá Thể thao Du lịch. Sở Văn hoá có trách nhiệm tập hợp và tham mưu trình lên Hội đồng Đặt đổi tên đường thành phố. Tuy nhiên, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch lại cho rằng, việc đặt đổi tên đường đầu tiên phải thông qua Hội đồng nhân dân, sau đó trình lên Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, rồi UBND TPHCM duyệt.

 

Đối với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Trưởng phòng đất đai môi trường của Ban quản lý khu đô thị phía Nam cho biết: Chúng tôi đã làm việc với Công ty Phú Mỹ Hưng rồi, nhưng Sở Xây dựng cần quan tâm hơn, kiểm tra đốc thúc trong việc thực hiện, chứ để kéo dài thì sẽ còn nhiều vấn đề phát sinh.

 

Sở Xây dựng thì khẳng định đã kiến nghị với thành phố nên áp dụng quyết định 05 của Bộ Xây dựng năm 2006 có chọn lọc, ý kiến này cũng được đại diện các quận huyện ủng hộ. Nhưng để hoàn thành được công việc, các cơ quan chức năng cần có sự kiên quyết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ với nhau.

 

Hoài Lương - Lê Phương