1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bức tranh Thủ đô “rất sáng” nếu chi tiêu Đại lễ đúng

(Dân trí) - Cho rằng Hà Nội trở nên lung linh, “sáng” hơn trong dịp Đại lễ, nhưng nhiều đại biểu vẫn thực sự băn khoăn với chi phí trong dịp kỷ niệm này. Có đại biểu đề nghị, thành phố sớm quyết toán để xoá đi những nghi ngờ…

Chủ đề Đại lễ đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu HĐND TP Hà Nội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 7/12.

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng nhìn nhận, căn bệnh “nước đến chân mới nhảy” đã thể hiện trong việc xây dựng các công trình chào mừng Đại lễ. Theo ông Hưng, trong những ngày quan trọng này, lãnh đạo thành phố đã phải “chạy sô” khánh thành, gắn biển các công trình. Qua truyền hình, nhiều người cảm nhận lãnh đạo thành phố rất “căng thẳng” và điều này kéo theo sự căng thẳng của các sở, ngành và cả thành phố.

Sở dĩ có điều này, theo đại biểu Hưng là bởi việc làm kế hoạch chưa chuẩn. “Chúng ta có quá trình chuẩn bị 10 năm, tại sao vẫn để xảy ra sự cập rập như vậy”, đại biểu Hưng nói.
 
Bức tranh Thủ đô “rất sáng” nếu chi tiêu Đại lễ đúng - 1
Đại biểu Vũ Đức Tân: Tổng chi cho Đại lễ là bao nhiêu?

Chưa hết, theo đại biểu Hưng, căn bệnh thành tích cũng đã thể hiện trong các công trình Đại lễ. Vì bệnh này, sau khi khánh thành, đại lộ Thăng Long vẫn chưa có biển chỉ dẫn mà ngay ông Hưng cũng từng bị lạc lối. Chưa kể, hai bên đường các công trình phụ trợ còn thiếu thốn, trống trơn.

“Dịp Đại lễ hay những dịp tổ chức hội nghị quốc tế, thành phố rất yên bình, nhưng sau đó lại đâu vào đấy, lại ùn tắc. Chúng ta điều hành giao thông ngắn hạn thì rất tốt, nhưng giai đoạn dài, cả năm lại chưa tốt.”, đại biểu Nguyễn Việt Hưng “đúc kết”.

Công viên Hoà Bình cũng có những vấn đề mà không chỉ đơn giản là thảm cỏ hay nền lát đá bị bong tróc sau khi gắn biển. Công trình tượng đài Thánh Gióng sau khi khánh thành cũng còn rất ngổn ngang…

Đại biểu Hưng thẳng thắn cho rằng, sau Đại lễ thành phố vẫn còn rất… nhiều việc. Đơn cử, kết quả thanh tra đại lộ Thăng Long được báo chí phản ảnh trong những ngày qua cho thấy, công trình này còn những vấn đề chưa ổn. Trong khi đó, còn nhiều công trình lớn nhỏ chưa được thanh tra, chưa quyết toán.

Đại biểu này cũng đề nghị thành phố sớm có quyết toán kinh phí sử dụng trong Đại lễ, không để tồn tại những nghi ngờ về việc có những khoản chi chưa đúng mục đích. “Nếu không có những vấn đề về chi tiêu, quả thực bức tranh của Thủ đô rất sáng - sáng rực rỡ, chứ không phải sáng mờ mờ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Phát biểu trước đó, đại biểu Vũ Đức Tân cho rằng, Đại lễ là sự kiện “sáng”, nhưng cử tri vẫn còn một số thắc mắc: tổng chi cho Đại lễ là bao nhiêu? Bao nhiêu từ ngân sách? Bao nhiêu bằng nguồn xã hội hoá? Bao nhiêu chi cho 54 sự kiện trong dịp Đại lễ?... Theo ông Tân, giải đáp những vấn đề đặt ra này là “đơn giản”, có thể làm được.
 
Bức tranh Thủ đô “rất sáng” nếu chi tiêu Đại lễ đúng - 2
Đại biểu Bùi Thị An: Giá cả đang là nỗi lo của người dân

Chuyển sang những mục tiêu của năm 2011, đại biểu Triệu Đình Phúc (nguyên Giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 12% như thành phố đề ra là khá cao. Theo ông Phúc, nếu tình hình thế giới ổn định, thành phố có thể vươn tới con số trên. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi chậm, tiềm ẩn những phức tạp.

“Chúng ta đã đủ cơ sở tính toán tăng trưởng 12% trong điều kiện khó khăn chưa?”, ông Phúc nêu vấn đề.

Đại biểu Bùi Thị An lại băn khoăn khi tăng trưởng 12% chưa gắn với yếu tố bền vững do thành phố chưa khẳng định dựa vào chất lượng nguồn lực và khoa học công nghệ.

Chuyển sang vấn đề có tính thời sự là các giải pháp bình ổn giá, bà An cho rằng, Thành phố đã chi 400 tỷ đồng bình ổn giá, nhưng những ngày qua giá cả vẫn là nỗi lo của người dân. Nếu như rau có loại tăng loại giảm thì giá thịt lại tăng rất cao. “Giải pháp chúng ta thực hiện đã hiệu quả chưa hay lại có hiện tượng người khác đến mua rồi bán lại cho dân”, bà An lo ngại.

Phát biểu sau đó, đại biểu Ngô Văn Ny cũng nhìn nhận, giá cả leo thang đang là vấn đề bức xúc của đời sống dân sinh hiện nay.
 

Từ những trải nghiệm trong chuyển thăm quan Hàn Quốc, đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng, nếu đem mô hình thành phố hai bên sông Hàn về áp dụng tại sông Hồng sẽ tạo nên… bất hạnh! Theo ông Hưng, với việc hai bên sông là những toà nhà, những khối bê tông làm mất đi vẻ tự nhiên, vẻ đẹp của dòng sông. “Chúng ta tiếp tục trình dự án thành phố hai bên sông là làm hại cho chúng ta”, ông Hưng nói.

Cấn Cường