1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bội thực”... họp!

Họp rút kinh nghiệm, họp sơ kết, họp chỉ đạo, họp triển khai... Từ họp cấp quận đến cấp phường, khu phố cũng họp. “Giảm hội họp, tăng cường đi cơ sở” đang có nguy cơ trở thành một khẩu hiệu suông ở TPHCM...

Họp nhiều, không còn thời gian tiếp dân

 

“Một lãnh đạo phường kiêm nhiệm rất nhiều chức danh nên từ họp quận, đến họp phường, họp khu phố cũng... “dính”. Nào là họp rút kinh nghiệm, họp sơ kết, họp chỉ đạo, họp triển khai... Chỉ mỗi chuyện phân công nhau đi họp cũng đã phát mệt” - Chủ tịch UBND phường 13, quận 8, TPHCM Phạm Văn Tùng than thở.

 

Trong đợt giám sát cải cách hành chính của Ban Pháp chế HĐND TP, từ đầu tháng 8 đến nay, hầu như phường - xã nào cũng “rên” vì họp.

 

Ông Trần Văn Ngạn, Chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, nói thẳng: “Quận bắt họp nhiều quá nên chúng tôi không có thời gian đi cơ sở để nắm tình hình, tiếp dân... được”.

 

Không chỉ cấp cơ sở điêu đứng, ngay cả các sở ngành cũng “bội thực”... họp. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ước tính, tính trung bình một ngày ông phải họp khoảng 5 cuộc.

 

Ngay cả UBND TP, thống kê theo lịch làm việc hằng tuần thì mỗi ngày cũng họp cỡ 10 cuộc, chưa kể họp đột xuất không có trong lịch.

 

Do họp nhiều quá nên mới “đẻ” ra những kiến nghị lạ lùng. Như chủ tịch UBND phường 10, quận Tân Bình Lê Thị Nga đề nghị “điều chỉnh” Nghị định 158 của Chính phủ về công tác hộ tịch để tăng thời gian giải quyết khai sinh từ 1 ngày lên 2 ngày do: “Nhiều lúc chủ tịch UBND phường phải đi họp suốt cả ngày nên khó giải quyết kịp cho dân”!

 

Họp nhiều là tại... cấp trên!

 

Nhiều lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đã nói như vậy khi được hỏi về tình trạng gia tăng hội họp.

 

Ghé vào UBND phường 3, quận 10, bảng thông báo họp chi chít từ đầu tuần đến cuối tuần. “Toàn là họp trên quận thôi” - một cán bộ phường nói.

 

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Văn phòng HĐND và UBND quận Tân Bình, cho biết mỗi tuần họp tại quận khoảng 4 lần, nhưng nay Sở GTCC gọi, mai Sở Xây dựng gọi nên phải họp thêm 4-5 lần.

 

“Hễ UBND TP xếp lịch thì phải hoãn hết để đi họp” - Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng nói trong cuộc họp về cải cách hành chính tuần rồi.

 

Một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng cho rằng: Hội họp chủ yếu phụ thuộc Thành ủy và UBND TP. Đơn cử, các Sở như Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, GTCC hầu như ngày nào cũng túc trực bên UBND TP.

 

“Họp nhiều đến mức không đủ lãnh đạo sở để phân công đi họp, phân công phó giám đốc phụ trách mảng khác đi thì không nắm được tình hình, còn phân công trưởng phòng đi thì bị phê bình”, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường thừa nhận.

 

Giảm họp: Nhiệm vụ bất khả thi?

 

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, trần tình: “Hồ sơ văn bản tại quận đã nối mạng được xuống phường nhưng để hướng dẫn thì vẫn phải họp. Tuy nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ hạn chế triệu tập lãnh đạo phường lên quận và lồng ghép các cuộc họp cùng nội dung”.

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho rằng: “Chúng tôi không thể giảm họp dù rất muốn. Quận 8 có nhiều công trình đang triển khai như dự án cải thiện môi trường nước, cầu Nguyễn Văn Cừ, chợ Bình Điền... nên khiếu nại về đền bù giải tỏa nhiều. Các công trình lại liên quan đến nhiều phường nên buộc phải họp với nhiều phường để giải quyết”.

 

“Không ai muốn họp nhiều nhưng không họp cũng không được vì bản thân cơ chế không cho phép giảm họp” - ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ, nhận định như vậy.

 

Ông chứng minh: “Do cơ chế lãnh đạo tập thể nên để thông qua một báo cáo tổng kết kinh tế-xã hội phải qua ít nhất 5 cuộc họp. Đầu tiên là phó chủ tịch UBND TP phụ trách khối nghe Sở Kế hoạch - Đầu tư báo cáo. Nếu không phải chỉnh sửa gì thì sau đó trình lên Thường trực UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP. Cùng một nội dung nhưng phải đi cho đủ các bước”.

 

“Chưa hết, do không giám đốc sở nào có quyền giải quyết trọn vẹn công việc nên chẳng hạn như Sở Xây dựng muốn cấp phép xây dựng phải có ý kiến của các sở Tài nguyên - Môi trường, Cảnh sát PCCC, Sở GTCC, Quy hoạch - Kiến trúc... Nếu công trình thuộc vốn ngân sách thì thêm sở Tài chính và Kế hoạch - Đầu tư nên phải tổ chức họp” - ông Tỷ nói.

 

Phải nâng hiệu quả cuộc họp

 

Đa phần các cuộc họp hiện nay vẫn theo lối cũ là đọc lại báo cáo đã có sẵn nên rất mất thời gian. Nếu không như thế thì các thành viên lại say sưa tranh luận đến mức... cãi nhau.

 

Trong cuộc họp về dự thảo quy định quản lý kiến trúc đô thị TPHCM giữa tháng 8 vừa qua, đại diện của các quận - huyện và Sở Quy hoạch - Kiến trúc tranh cãi kịch liệt đến mức Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín phải nhắc nhở lẽ ra sở và quận - huyện phải ngồi với nhau bàn luận trước, nếu không thống nhất được mới trình UBND TP xin ý kiến. Thế nhưng, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc lại nói quận - huyện đóng góp ý kiến mỗi lần mỗi khác.

Theo ông Châu Minh Tỷ, để nâng hiệu quả cuộc họp, trước khi họp chính thức, đơn vị chuẩn bị nội dung nên mời các sở liên quan đóng góp ý kiến. Nếu sau khi bàn bạc vẫn không thống nhất được thì trình UBND TP, nói rõ những ý kiến khác nhau và chỉ ra ưu nhược điểm của từng phương án để xin ý kiến chỉ đạo.

 

Theo Mỹ Nhung

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm