Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca mắc Covid-19 trong ngày
(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất tạm dừng việc thông báo số ca mắc Covid-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang. Đối với F1 đã tiêm đủ liều vaccine, chỉ cần theo dõi sức khỏe 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm sau cùng.
Báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Y tế đề xuất cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca mắc bệnh chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian này vẫn cần xác định những người có tiếp xúc với F0, F1 nhằm xác định những người có liên quan, để bảo vệ những người có nguy cơ cao, những người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm, kéo giảm nguy cơ quá tải bệnh viện.
Về thời gian cách ly để điều trị đối với F0 tại nhà, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế là 7 ngày và dỡ bỏ cách ly khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Điều kiện được xuất viện đối với F0 phải trước 3 ngày có kết quả xét nghiệm âm tính.
Coi Covid-19 là "bệnh lưu hành"?
Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành (endemic). Về vấn đề này, Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) nhận định đối với bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
Cụ thể, trong nước, virus SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn "bệnh lưu hành".
Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron và trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 và các biến thể này có thể "né" được miễn dịch, gây tái nhiễm. Do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
"Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là "bệnh lưu hành". Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi Covid-19 là "bệnh lưu hành" vào thời điểm thích hợp", báo cáo của Bộ Y tế cho hay.
Báo cáo của Bộ Y tế còn đề cập đến thời gian cách ly đối với F1. Cụ thể, những người đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày), thì tự theo dõi sức khỏe 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).
Đối với những F1 đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 cần tự theo dõi sức khỏe 10 ngày kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
Đối với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định thì cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng; không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai); xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.