1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Xây dựng góp ý dự thảo Luật Thủ đô

(Dân trí) - Dự thảo Luật Thủ đô cho phép trao cho Hà Nội cơ chế đặc thù để thu phí, lệ phí cao hơn mặt bằng cả nước; hạn chế nhập cư, quản lý đất đai, quản lý phát triển hạ tầng...

Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý dự thảo Luật Thủ đô gửi Văn phòng Chính phủ.
 
Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý dự thảo Luật Thủ đô gửi Văn phòng Chính phủ.

Bộ Xây dựng đồng ý với ý kiến Thủ đô có vị trí, vai trò khác hẳn 62 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại. Theo Bộ Xây dựng, việc quy định ví trí, vai trò của Thủ đô chính là cơ sở để quy định các chính sách đặc thù cho việc xây dựng phát triển và quản lý Thủ đô.

Về nội dung quản lý dân cư, Bộ Xây dựng đồng ý với dự thảo Luật về việc quy định các biện pháp hành chính chặt chẽ hơn Luật Cư trú là cần thiết, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt cũng như đạt được những mục tiêu phát triển lâu dài của Thủ đô.

Tuy không nhắc cụ thể “bức xúc trước mắt” của Hà Nội về việc quản lý cư trú nhưng Bộ Xây dựng dẫn ra ví dụ: Thành phố Đà Nẵng cũng có chủ trương hạn chế việc đăng ký thường trú tại hai quận nội thành. Khi lấy dẫn chứng này, Bộ Xây dựng cũng lưu ý “việc này đang gây ra sự tranh cãi về mặt pháp lý về thẩm quyền ban hành”.

Về mặt quản lý nhà nước trong quản lý xây dựng hạ tầng cơ bản, Bộ Xây dựng đồng ý với phương án trao cho Hà Nội “cơ chế đặc thù” để giải quyết những búc xúc đang xảy ra. Theo Bộ Xây dựng thì Hà Nội là thành phố lớn, có tốc độ phát triển nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nên cũng là điểm nóng so với các tỉnh khác về quản lý đất đai, xây dựng.

Bởi vậy, Bộ Xây dựng đồng tình với quan điểm tăng mức xử phạt trong vi phạm đất đai, xây dựng nhằm tăng tính răn đe, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của pháp luật.

Một vấn đề quan trọng nữa đang được dư luận quan tâm và tranh cãi là việc quy định mức thu một số loại phí, lệ phí cao hơn trên địa bàn Thủ đô. Bộ Xây dựng đồng ý với phương án này bởi hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng đang gây nhiều bức xúc về phát triển kinh tế cũng như xã hội của Thủ đô.

Trước đây, tại các phiên thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận nhóm của Quốc hội, việc ban hành Luật Thủ đô cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu Quốc hội như đại biểu Trần Du Lịch, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết không đồng tình. Hay như đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nêu quan điểm: “Cơ chế chính sách đặc thù này phải không được trái với Hiến pháp, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa phương nào”.

Thông Chí