Bộ Tư pháp “vi hành” kiểm tra việc sách nhiễu dân
Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu cho biết, dù đã có nhiều cải cách về thể chế, chính sách, nhưng tình trạng nhũng nhiễu, hành dân vẫn tồn tại. Năm nay, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, “vi hành” tới những điểm nóng để khắc phục tình trạng này.
Trong chỉ thị mới đây về công tác tư pháp năm 2007, Bộ trưởng có yêu cầu ngành tư pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực công chứng, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp. Vậy giải pháp cụ thể là gì?
Giải pháp quan trọng nhất là về con người. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là tư pháp cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao năng lực hoạt động gắn với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.
Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm công vụ, việc chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức ngành tư pháp. Sớm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
Thưa Bộ trưởng, những cải cách về chính sách Bộ Tư pháp đã thực hiện là gì?
Đáng chú ý nhất là đổi mới trong công tác hộ tịch. Trước đây, nhiều công việc liên quan đến hộ tịch giao cho UBND cấp tỉnh quyết định. Nay một số công việc đã giao về cho cấp xã, phường (hộ tịch của người dưới 14 tuổi) và cấp huyện (hộ tịch người trên 14 tuổi). Sự phân cấp này, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hơn nữa đã tạo thuận lợi cho người dân cả về công sức và tiền bạc.
Một vấn đề khác là công tác công chứng. Sự ra đời của Luật Công chứng, đã xác định rõ phạm vi và giá trị pháp lý của công chứng và chứng thực, giảm tải cho các phòng công chứng. Ngoài ra, các văn phòng công chứng tư nhân cũng sẽ được thành lập, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động công chứng.
Nhưng trên thực tế, người dân khi đến cơ quan hành chính về tư pháp vẫn còn gặp nhiều sự khó dễ, nhũng nhiễu?
Chúng tôi thấy rằng trong phân cấp công việc hành chính tư pháp, ngoài những mặt thuận lợi thì vẫn còn một số bất cập. Trình độ cán bộ ở cơ sở còn thấp, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, có nơi cán bộ hộ tịch còn chưa… tốt nghiệp PTTH. Vì thế, để cán bộ nắm được quy định của pháp luật, hướng dẫn của cấp trên đã là khó.
Đáng lưu ý hơn là ở một số nơi, có vấn đề lạm dụng quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Nhiều quy định rất rõ, nhưng khi người dân nộp hồ sơ thì cán bộ vẫn cứ “ngâm”, bắt dân chờ.
Theo Sài Gòn Giải Phóng