Bộ Tư pháp giải thích về việc phạt tù tội “ngoại tình”

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng nay 8/4, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính đã lên tiếng giải thích về quy định xử lý hình sự tội “ngoại tình” được nêu tại Điều 182 Bộ luật Hình sự, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới, đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính trả lời câu hỏi của PV Dân trí (Ảnh: T.K)
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính trả lời câu hỏi của PV Dân trí (Ảnh: T.K)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Điều 182 Bộ luật Hình sự quy định “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” gồm hai điều kiện: Thứ nhất là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Thứ hai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

“Còn hình phạt thì thế nào? Tôi đọc báo thấy chỉ nói tới phạt tù nhưng thực ra có mấy hình phạt khi phạm tội này, đó là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng tới 1 năm” - bà Thoa nói rõ.

Căn cứ vào tính chất, bản chất và tình tiết tăng nặng - giảm nhẹ của Bộ luật Hình sự, thẩm phán khi xét xử sẽ quyết định, lựa chọn một trong các khung hình phạt, biện pháp xử lý phù hợp.

Bà Thoa khẳng định, nội dung Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 tới đã được nêu trong Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999. Tuy nhiên luật ban hành năm 1999 có khiếm khuyết khi nói rằng phải “gây ra hậu quả nghiêm trọng” nhưng lại không giải thích rõ “hậu quả nghiêm trọng” là như thế nào. Tuy nhiên hiện nay, Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 đã giải thích rõ ràng “gây hậu quả nghiêm trọng” bao gồm các điều kiện rất cụ thể.

Hơn nữa, “nguồn cơn” của Điều 182 xuất phát từ quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 nghiêm cấm “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”.

“Đó là tinh thần bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình” - bà Thoa khẳng định.

Bà Thoa cho rằng, Bộ luật Hình sự 2015 đã được xây dựng đảm bảo tính minh bạch, đúng theo tinh thần của Hiến pháp là cái gì liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân phải bằng luật.

“Do vậy chúng ta nhìn thấy Bộ luật Hình sự 2015 có nhiều cái rất mới, không thấy những chữ “nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” đâu cả, chỉ trừ quy định trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng thôi. Còn tất cả những quy định khác đều được giải mã rất rõ. Ở đây chúng ta thấy rằng hành vi rõ, hậu quả rõ, điều kiện rõ, chủ thể rõ nên sẽ không có nghị định hay thông tư hướng dẫn về điều này”- bà Thoa nói.

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Thế Kha