1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Tư pháp gấp rút bịt kẽ hở về chứng thực chữ ký

(Dân trí) - Một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thuộc diện không được chứng thực chữ ký thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Theo tờ trình của ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) vừa gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nghị định số 23/2015 cho phép thực hiện chứng thực chữ ký đối với Giấy ủy quyền chỉ là đơn giản hóa thủ tục đối với một số ủy quyền có nội dung đơn giản, phổ biến để tiết kiệm chi phí cho người dân.

Tuy nhiên, do quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về nội dung ủy quyền nào được chứng thực chữ ký đã dẫn đến tình trạng một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản (như ủy quyền định đoạt, quản lý tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất; ủy quyền vay vốn ngân hàng, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, cơ cấu nợ, quyết định thực hiện các khuyến nghị của ngân hàng...) thuộc diện không được chứng thực chữ ký thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Bộ Tư pháp gấp rút bịt kẽ hở về chứng thực chữ ký - 1

Thậm chí còn có hiện tượng lợi dụng việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền để thực hiện ủy quyền cho một số lãnh đạo đảng, nhà nước thực hiện một số hành vi như đòi nợ, khiếu kiện, khiếu nại, tham gia tố tụng... gây hoang mang và ảnh hưởng trật tự, an ninh xã hội ở một số địa phương.

“Đã xuất hiện tình trạng lợi dụng văn bản chứng thực chữ ký thay cho bản chính giấy tờ khác (ví dụ chứng thực chữ ký trong giấy tờ có nội dung về hộ tịch như cam kết về quan hệ cha, mẹ, con...). Những hoạt động này đang gây tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính”- cơ quan này cho hay.

Bên cạnh đó, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực khẳng định, công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch là hai việc khác nhau.

Công chứng là việc xác nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng.

Chứng thực là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Tuy nhiên, hiện nay người dân còn chưa hiểu rõ bản chất, đặc biệt là hệ quả pháp lý của hai việc này nên còn chưa có ý thức về việc phải chịu trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch; chưa có ý thức về khả năng chịu rủi ro khi giao kết hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ thông tin về tài sản là đối tượng của hợp đồng.

Một số cơ quan thực hiện chứng thực chưa có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin tài sản là bất động sản thuộc địa bàn quản lý của mình, không tuyên truyền trước cho người dân về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân.

Bộ Tư pháp gấp rút bịt kẽ hở về chứng thực chữ ký - 2

Bộ Tư pháp đang gấp rút xây dựng hướng dẫn bịt kẽ hở trong công chứng và chứng thực hợp đồng (Ảnh minh họa). 

Bịt nhiều kẽ hở

Từ thực trạng đó, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề xuất xây dựng thông tư quy định rõ việc không thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập có nội dung thuộc lĩnh vực mà pháp luật quy định phải do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận.

Ngoài ra, để giúp các cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng hiểu được sự giống nhau và khác nhau của công chứng, chứng thực, từ đó lựa chọn hình thức thực hiện cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình, dự thảo quy định rõ UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thông tin về nhà, đất là đối tượng của hợp đồng, giao dịch.

Đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để người yêu cầu chứng thực nhận thức rõ trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch và hệ quả pháp lý của việc chứng thực hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã.

Trường hợp hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên, thì người yêu cầu có thể lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng.

Để có căn cứ xử lý thống nhất đối với văn bản chứng thực trái pháp luật, dự thảo bổ sung hướng dẫn về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực.

Trước khi ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy tờ, văn bản đã được chứng thực trái quy định pháp luật thì cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực phải có văn bản xin ý kiến cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý thì mới tiến hành thu hồi, hủy bỏ.

Thẩm quyền đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng, giao dịch chứng thực vô hiệu thuộc về người yêu cầu chứng thực, người làm chứng, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan khác khi có căn cứ về việc vi phạm pháp luật trong chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thế Kha