Bộ Tư pháp đề xuất quản lý tiền ảo như thế nào?

(Dân trí) - Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng cho phép ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý các vấn đề “nóng” của thị trường và thực tiễn áp dụng.

Bộ Tư pháp vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát khung khổ pháp lý liên quan đến việc ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ được phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain (một trong những ứng dụng điển hình của Blockchain là tiền ảo Bitcoin).

Bộ Tư pháp đề xuất quản lý tiền ảo như thế nào? - 1

2 nhóm vấn đề

Bộ Tư pháp cho biết từ năm 2019 đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ, pháp lý trong nước và quốc tế tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài qua tài liệu; rà soát hệ thống pháp luật trong nước có liên quan.

Trên cơ sở phân tích các vấn đề công nghệ và kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam, Bộ Tư pháp khẳng định các vướng mắc, bất cập về ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào 2 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, các vướng mắc pháp lý liên quan, trong đó chủ yếu là 2 vướng mắc chính về sự chưa rõ ràng, chưa có khung pháp lý liên quan đến việc huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO) và giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.

Thứ hai, chưa có hệ sinh thái khuyến khích ứng dụng, phát triển công nghệ Blockchain, trong đó có việc các cơ quan nhà nước chưa thật sự tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công.

“Ngoại trừ vướng mắc về pháp lý chủ yếu liên quan đến việc huy động vốn hoặc quy chế pháp lý cho các tài sản mã hóa được cung cấp bởi các nền tảng Blockchain hoặc tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ trong một số lĩnh vực yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ (như thanh toán, sàn giao dịch), nhiều doanh nghiệp cơ bản không gặp vướng mắc trong việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ của mình (như truy xuất nguồn gốc nông sản). Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tạo lập môi trường, hệ sinh thái thân thiện với ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm gia tăng tính công khai, minh bạch, chống gian lận”- Bộ Tư pháp cho hay.

Bộ Tư pháp đề xuất quản lý tiền ảo như thế nào? - 2

Một điểm giao dịch Bitcoin tại TPHCM lúc nào cũng đông khách giao dịch (Ảnh: Xuân Hinh).

Thí điểm xử lý các vấn đề “nóng”

Chính vì thế, Bộ Tư pháp đề xuất tạo môi trường tối ưu cho đổi mới sáng tạo nhưng cần đảm bảo tính trung lập về công nghệ theo hướng thị trường tự quyết định lựa chọn công nghệ; tận dụng khung pháp lý hiện hành để quản lý, xử lý các vấn đề liên quan nhưng cho phép các ngoại lệ hoặc ban hành các văn bản điều chỉnh (có thể mang tính thí điểm) trong trường hợp cần thiết cho từng vấn đề cụ thể.

Ưu tiên xây dựng chính sách, pháp luật thí điểm để xử lý các vấn đề “nóng” của thị trường và thực tiễn áp dụng. Trong đó, cần đẩy nhanh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thí điểm về phát hành và giao dịch của các tài sản mã hóa được hình thành trên nền tảng công nghệ Blockchain cũng như cơ chế quản lý, xử lý việc sử dụng, trao đổi, đầu tư các tài sản này.

Bộ Tư pháp đề xuất duy trì cơ chế trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng phát triển công nghệ ở tầm quốc gia cũng như quốc tế để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ này cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chưa được thừa nhận nhưng giao dịch tiền ảo rất lớn

Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. 

Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Công nghệ này có thể ứng dụng rất nhiều lĩnh vực trong đời sống. Tiền ảo Bitcoin là ứng dụng đầu tiên chạy trên hệ thống Blockchain.

Gần đây báo chí liên tục phản ánh, dù chưa được pháp luật thừa nhận nhưng tổng khối lượng giao dịch các loại tiền ảo như đồng Bitcoin, Ethereum, Litecoin,.. trên các diễn đàn tiền ảo tại Việt Nam rất lớn, cót hể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày.

Tại những thời kỳ đồng Bitcoin đạt giá đỉnh điểm (năm 2018), khối lượng giao dịch mỗi tuần tại Việt Nam lên tới 4.600 tỷ đồng; năm 2019, có nhiều thời điểm lên tới 4.000 tỷ đồng/tuần.

Thế Kha