1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Y tế báo cáo lý do cung ứng vắc xin chậm

Phương Thảo

(Dân trí) - Tính đến 23/7, hơn 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã về Việt Nam qua 15 đợt tiếp nhận. Bộ Y tế đã phân bổ 6,2 triệu liều, qua đó 4,07 triệu người được một liều, 335.000 người tiêm đủ 2 liều.

Báo cáo mới nhất của Chính phủ do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày hôm nay, 24/7/2021, theo ủy quyền của Thủ tướng, về tình hình dịch bệnh Covid-19, tình hình nhập, sản xuất, tiêm vắc xin phòng Covid-19 được gửi tới các đại biểu Quốc hội để phục vụ nội dung thảo luận về công tác chống dịch mới được bổ sung vào chương trình nghị sự.

Bộ trưởng Y tế báo cáo lý do cung ứng vắc xin chậm - 1

(Ảnh minh họa: NCOVI.VN)

Điều kiện mua vắc xin chưa có trong tiền lệ

Về tình hình vắc xin, Bộ trưởng Y tế khẳng định việc tiếp cận, đàm phán với các đối tác đã được xúc tiến từ sớm (giữa năm 2020), như tiếp cận, đàm phán với Astra Zeneca và Sputnik từ tháng 8, với Pfizer từ tháng 9.

Do các điều kiện mua bán vắc xin mà các nhà sản xuất vắc xin đưa ra có nhiều vướng mắc so với pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã chủ động báo cáo và được Bộ Chính trị chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý để thúc đẩy việc đàm phán, mua bán vắc xin với các nhà sản xuất trong trường hợp cấp bách (tháng 6/2021).

Cùng thời gian này, Thủ tướng quyết định lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để huy động tổng lực, đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách, lo vắc xin cho người dân. Biện pháp đúng đắn này đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, ủng hộ. Tính đến 19/7, ngoài khoản 12.100 tỷ đồng từ ngân sách, Quỹ vắc xin đã huy động được trên 8.182 tỷ đồng và một số doanh nghiệp lớn cam kết tiếp tục đóng góp.

Bộ trưởng Y tế cũng nêu con số 130 triệu liều vắc xin Việt Nam đã có cam kết, ký hợp đồng cung ứng, viện trợ trong năm 2021, đang đàm phán tiếp 45 triệu liều nữa (gồm 5 triệu liều Moderna TPHCM đăng ký mua được, 40 triệu liều Sputnik V tập đoàn T&T mua). Giá mua vắc xin được khẳng định thuộc nhóm rẻ nhất.

Tuy nhiên, cơ quan xây dựng báo cáo cũng nêu thực tế, trong điều kiện khan hiếm vắc xin trên toàn cầu, từ nay đến hết quý 3/2021, vẫn rất khó khăn về vắc xin (dự kiến trong quý 3/2021 sẽ có trên 30 triệu liều vắc xin). Từ quý 4/2021 vắc xin sẽ về nhiều hơn và đến năm 2022, dự kiến có thêm các loại vắc xin trên thế giới được cấp phép, các nhà máy sản xuất vắc xin trong nước đi vào hoạt động, tình hình cung cấp vắc xin sẽ chủ động hơn.

Khái quát, Bộ trưởng Y tế xác nhận, so với yêu cầu, việc cung ứng vắc xin còn chậm.

Nguyên nhân chính, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là do tình trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu. Vắc xin trong chương trình COVAX được ưu tiên cung ứng cho các nước tự sản xuất và các nước có tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Thêm vào đó, điều kiện mua bán các nhà sản xuất đặt ra (không được đàm phán giá, phải chấp nhận có thể giao hàng chậm, miễn trừ trách nhiệm…) chưa có trong tiền lệ trong mua sắm công của Việt Nam.

Tiếp nhận 10,2 triệu liều vắc xin

Về việc sản xuất vắc xin trong nước, báo cáo của Chính phủ khẳng định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trong khu vực đã chủ động nghiên cứu vắc xin. Từ tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước. Đến nay, Việt Nam là một trong số ít nước có 2 vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng và là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Việc tổ chức tiêm vắc xin, Bộ trưởng Y tế nhận định, đã được triển khai đúng kế hoạch, đúng đối tượng ưu tiên, bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, quá hạn.

Tính đến ngày 23/7/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 15 đợt, xấp xỉ 10,2 triệu liều vắc xin từ các nguồn viện trợ của COVAX, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và hợp đồng mua vắc xin của AstraZeneca, Pfizer.

Tính đến hết tháng 7 thì Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm gần 6,8 triệu liều, gồm 550.000 liều của Pfizer, 3 triệu liều của Moderna do Mỹ viện trợ thông qua COVAX (dự kiến về tới Việt Nam ngày 25/7 - PV), gần 1,7 triệu liều của AstraZeneca do COVAX cung cấp, 1,2 triệu liều của AstraZeneca mua của VNVC (thực tế đã về tới Việt Nam 3 ngày trước -PV) và 415.000 liều của Anh viện trợ.

Con số vắc xin nhập về là thế. Còn số tiêm phòng, theo báo cáo, đến nay, cả nước đã tiêm được 4,45 triệu liều. So với tổng số gần 6,2 triệu liều vắc xin phân bổ 11 đợt thì tỷ lệ tiêm đạt 72,1%. Trong đó, có 4,07 triệu người đã được tiêm 1 liều vắc xin và gần 335.000 người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

Theo Bộ trưởng Y tế, các địa phương đang tích cực chuẩn bị tiêm tiếp hơn 4 triệu liều của 4 đợt phân bổ vắc xin tiếp theo (vắc xin tiếp nhận từ 12/7 tới nay). Chủ trương tiêm là ưu tiên các đối tượng ở tuyến đầu chống dịch, người lao động tại các khu công nghiệp, người dân ở vùng có nguy cơ cao, đặc biệt một số tỉnh phía Nam có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Như vậy, khái quát chung, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, có vắc xin đến đâu đã tổ chức phân bổ, tiêm ngay đến đó theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Thực tế, tốc độ tiêm phòng Covid-19 của Việt Nam vẫn ở nhóm chậm so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là nước dẫn đầu về tỷ lệ người được tiêm ít nhất một mũi, ở mức 40%, tiếp theo là Campuchia, với mức 17%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm của Việt Nam mới đạt khoảng 5%.

Với tốc độ tiêm hiện nay, các tính toán được đưa ra, phải 40 tháng nữa Việt Nam mới hoàn thành mục tiêu tiêm vắc xin.

So với kế hoạch đề ra ban đầu là tiêm phòng cho 70% dân số để tạo được miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, đến nay, Việt Nam cũng đã phải "nới" hạn mức này tới hết quý 1/2022. Cả nước cũng kỳ vọng chậm nhất đến hết quý 2 năm sau sẽ có vắc xin sản xuất trong nước, đảm bảo đủ  nhu cầu phòng dịch cho các năm tiếp theo và tiến tới xuất khẩu.