1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng về làng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực thường xuyên có những chuyến “vi hành” để trực tiếp gặp dân lắng nghe dân nói, trực tiếp gặp dân nắm sát tình hình thực tế...

Và chuyến mới nhất ngày 6-4, ông đã về Vĩnh Phúc: nông dân nhường hết ruộng cho khu công nghiệp giờ sống ra sao?

“Dân không đồng thuận thì quyết không làm”

Vĩnh Phúc trong vài ba năm gần đây nổi lên như một hiện tượng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp - xây dựng (tăng tới 20%/năm), giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đứng sau Hà Nội và Hải Phòng (ở miền Bắc) và là một trong bảy địa phương đứng đầu cả nước. Cả tỉnh đang gần như một “đại công trường”, khu công nghiệp, khu đô thị mới mọc lên như nấm, đến đâu cũng thấy ngổn ngang, bên cạnh những nhà máy ngày đêm hoạt động hết công suất.

Làm việc với Bộ trưởng Mai Ái Trực, Bí thư tỉnh ủy Trịnh Đình Dũng “khoe”: “Rút kinh nghiệm nhiều nơi bị động quĩ đất, doanh nghiệp vào rồi lại ra đi vì không có mặt bằng, chúng tôi luôn chủ động quĩ đất. Công tác hậu đền bù giải tỏa được coi trọng bằng cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ... Mục tiêu chung là đảm bảo lợi ích bốn bên: Nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng dân cư và người dân”.

Làm mà dân không đồng thuận thì kiên quyết không làm” - ông Dũng minh chứng: chính sách cấp “đất dịch vụ” đang trở thành động lực thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở Vĩnh Phúc. Mỗi khi thu hồi đất làm khu công nghiệp, tỉnh sẽ qui hoạch một khu đất được gọi là “đất dịch vụ” để cấp lại cho dân.

Nhưng thực tế, người dân lại nói khác...

“Đồng chí sở phải hiểu tâm lý nông dân”

Khi Bộ trưởng Mai Ái Trực xuống xã Quang Minh, trời đã sập tối. Nhưng cái tin “bộ trưởng về làng” lại khiến người dân náo nức chờ đợi. Sau lời xin lỗi vì sự muộn màng của mình làm mọi người phải đợi hơi lâu, ông Trực đề nghị: “Các cụ, các bác, các anh chị cứ nói thẳng, nói hết, không nên e ngại điều gì cả”.

Ông Nguyễn Văn Lại (85 tuổi, thôn Chi Đông) “hưởng ứng” ngay: “Thưa bộ trưởng, tôi thấy công nghiệp vào nhanh quá. Mới hôm nào còn cái sắn, cái khoai, nay đã thành công nghiệp. Công nghiệp mới rục rịch về, nhà nọ đã bán đất cho nhà kia. Từ 15-16 triệu đồng/ thước mặt đường (1 thước ruộng = 24m2) dần vọt lên 35 triệu/thước.

Với người dân ở đây, đất mặt đường mới có giá trị. Khi thu hồi đất cho công nghiệp, tỉnh, huyện, xã đều nói sẽ đảm bảo đất mặt đường cho dân. Thế nhưng đến giờ đại đa số người dân không chấp nhận đất dịch vụ mà lại không nằm ở mặt đường, bởi như vậy chúng tôi không thể mở cái hàng, cái quán có thêm thu nhập. Trong khi ruộng thì đã giao hết cho Nhà nước mà lao động thì chỉ một phần được giải quyết, số 25-50 tuổi không có việc còn rất nhiều...”.

“Bác có biết thôn ta có khoảng bao nhiêu hộ giải tỏa không còn ruộng sản xuất?” - Bộ trưởng Mai Ái Trực hỏi. Bí thư Đảng ủy xã Quang Minh Nguyễn Hữu Có nghe vậy liền đứng dậy đỡ lời: “Thưa bộ trưởng, cả xã Quang Minh có 850ha (ruộng) thì giải phóng mặt bằng đã 540ha. Trong số hơn 100 doanh nghiệp vào xã, mới có 20-30 doanh nghiệp xây dựng hoạt động.

Đúng là quá trình chuyển đổi nhanh quá, lực lượng lao động dôi dư đông song trình độ không đáp ứng kịp. Giải phóng hết ruộng rồi mà chưa thấy đất dịch vụ đâu. Trong khi 1.600 trong tổng số 3.700 hộ đã mất 100% ruộng”.

Con số ấy lập tức làm Bộ trưởng Mai Ái Trực chú ý: “Trong 1.600 hộ ấy, số hộ được giải quyết việc làm là bao nhiêu?”. “Lao động đang cần việc là 7.000 người song mới chỉ 1.000 được giải quyết. Đó là chưa kể số người ngoài 35 tuổi” - ông Có buồn rầu.

Bộ trưởng Trực quay sang ông Lại: “Bác nghe vậy thấy có được không?”.

Ông Lại: “Xin thưa đồng chí sở, dân chúng tôi không hình dung được toàn diện thì cũng được một phần. Nhưng ở đây việc qui hoạch, xây dựng khu đất dịch vụ và thu hồi đất của dân không đồng thời (thu hồi đất rồi mà khu đất dịch vụ chưa có) làm dân không yên tâm. Đồng chí sở phải hiểu tâm lý người dân nông thôn thế này: cái gì mà nắm chắc được, dân mới tin”.

Đồng tình với ông Lại, ông Trần Hưng Uyên (thôn Gia Trung) cũng bày tỏ bức xúc: “Cả Gia Trung có khoảng 20% số hộ không còn ruộng. Tình trạng nhận tiền đền bù xong tiêu xài lãng phí tương đối nhiều: đầu tiên cứ phải là cái xe máy, sau là sửa nhà sửa cửa. Công nghiệp vào đúng là đời sống khá lên nhưng khá là nhờ tiền đền bù chứ chưa phải nhờ thu nhập từ lao động tại chỗ. Ngay bản thân tôi cũng hết 100% ruộng, nhận 160 triệu tiền đền bù. Giờ có hai cháu trai đang độ tuổi lao động mà chưa có việc làm. Một đứa học trung cấp đông y, về khu công nghiệp không ai nhận, nay lại phải học thêm ngành nghề khác”.

“Thế bác dùng 160 triệu vào việc gì?” Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng Mai Ái Trực, ông Uyên nói: “Thằng con trai làm nhà hết 80 triệu, vợ chồng tôi làm hai cái phòng cho thuê hết 50 triệu, rồi mấy đứa khác cũng sang sửa này kia. Quay đi quay lại cũng không còn đồng nào để gửi tiết kiệm. Nguồn thu nhập chính của hai ông bà già bây giờ là hai phòng cho thuê chỉ 400.000 đồng/tháng. Tôi đề nghị tỉnh mở thêm trường dạy nghề cho con em và đừng nên thu 250.000 đồng/m2 đất dịch vụ nữa”.

Ghi nhận ý kiến của dân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- môi trường Mai Ái Trực cho biết quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã làm cho đời sống bà con khá lên nhưng chưa vững chắc. Yêu cầu của người dân đối với việc công khai qui hoạch, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ là hoàn toàn chính đáng.

Theo Đà Tang
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm