Bộ trưởng TT-TT: Làm mạng xã hội nội để “kéo não” người Việt ở lại trong nước!
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi của chất vấn về việc xây dựng mạng xã hội “nội”, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng ví von tình trạng mạng xã hội “ngoại” thống lĩnh hiện nay giống như là người Việt để não của mình ở nước ngoài. Vậy nên cần xây dựng các mạng xã hội trong nước để cân bằng lại, kéo giữ não của người Việt ở trong nước.
1 năm làm Bộ trưởng có kết quả nào ấn tượng?
Là người “mở hàng” phiên chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đặt một loạt câu hỏi với Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (TT-TT). Ông Vượt đặt vấn đề, mạng xã hội giờ không còn là ảo mà đã thành thật với nhiều biểu hiện đáng lo ngại, đánh bạc nghìn tỷ, lừa đảo qua mạng, chống phá nhà nước… gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết kết quả ấn tượng đặc biệt nhất của ông từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn tới nay? Bộ trưởng từng là lãnh đạo một nhà mạng lớn thì có xử được sim rác hay không? Khi nào Việt Nam có mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hiệu quả của mình?
Trả lời vấn đề đại biểu đề ra, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 1 năm nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng TT-TT, ông nghĩ, muốn quản lý được thì trước hết phải “nhìn thấy”. Xác định mục tiêu đó, Bộ TT-TT đã xây dựng đưa vào vận hành trung tâm giám sát an toàn thông tin quốc gia để giám sát được việc tấn công mạng vào Việt Nam cũng như giám sát được những thông tin trên mạng. Tốc độ xử lý của trung tâm này, mỗi ngày xử lý được 100.000 tin.
Hoạt động đó dẫn tới những thay đổi tích cực. Trước đây, có những thời kỳ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội chiếm trên 30% khiến cho không khí bao phủ còn hiện tại, sau khi khống chế được, tỷ lệ thông tin tiêu cực còn dưới 10%.
Còn việc làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ mạng có máy chủ từ nước ngoài, ông Hùng cho biết, Facebook trước đây chỉ kiểm soát được 30%, giờ đã nâng lên 70%. Youtube thì đã kiểm soát tốt hơn, nâng tỷ lệ từ khoảng 70% lên mức trên 85%.
Vấn đề xử lý sim rác, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện sim rác còn đang nằm ở một lượng lớn trên các kênh bán hàng. Giải pháp đề ra là các nhà mạng phải mua lại số sim này. Ngoài ra, trong việc xử lý sim rác, có một chế tài mới được đề ra là nhà mạng nào còn để sim rác thì không được tham gia các dịch vụ cung ứng như mobile money.
Với vấn đề mạng xã hội Việt Nam, ông Hùng ví von, tình trạng hiện nay giống như là người Việt để não của mình ở nước ngoài. Vậy nên cần xây dựng các mạng xã hội trong nước để cân bằng lại, kéo giữ não của người Việt ở trong nước.
Hiện các mạng xã hội Việt nam là 65 triệu thuê bao, so với số mạng xã hội nước ngoài là khoảng 90 triệu. Vậy chậm nhất đến 2020 sẽ đạt được tỷ lệ 50-50. Theo ông Hùng, hiện có nhiều cơ hội cho các mạng xã hội Việt Nam hoạt động theo mô hình flat form. “Mạng xã hội mới hiện nay đã mang sẵn trong mình những bộ lọc để lọc rác và vai trò lọc rác cũng nằm chủ yếu trong tay các nhà mạng, chính quyền chỉ chiếm tỷ lệ không cao” – Bộ trưởng TT-TT nhận định.
Doanh nghiệp Hàn đào hầm để giấu lao động Việt
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) muốn biết tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc Nam
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia cần tuân thủ 3 nguyên tắc: phải đảm bảo tiến độ, hiệu quả của dự án, đấu thầu công khai minh bạch, cần xem xét đặc biệt vấn đề an ninh quốc phòng.
Vừa qua Bộ GTVT đã triển khai các công việc để thúc đẩy dự án, đến giờ đã làm xong được bản vẽ thi công và dự toán. Bộ đang xin ý kiến Chính phủ và các cơ quan sao để thực hiện được dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả, an toàn, đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh quốc gia.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phản ánh việc người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc phải trả tiền môi giới cao hơn so với các nước trong khu vực cũng như tình trạng bỏ trốn, vi phạm pháp luật của người lao động ở nước sở tại. Giải pháp nào khắc phục?
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, với việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, Bộ đã kiểm soát rất chặt chẽ. Số lượng lao động diện này đang tăng nhanh, từ mức 100.000 người năm 2016 đến 2018 đã là 143.000 người. Địa bàn xuất khẩu lao động cũng được mở rộng, ngoài địa bàn truyền thống thì còn mở rộng các địa bàn chất lượng cao như Đức, Nhật và mới đây mở lại địa bàn với Séc.
Bộ trưởng khẳng định, như vậy, phương thức đưa lao động ra nước ngoài đã chuyển từ thế bị động sang chủ động.
Về tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp, người lao động khi được đưa ra nước ngoài, ông Dung khái quát, hiện có khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và cơ bản hoạt động tốt, hiệu quả. Khác với nhiều nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam, ngoài việc môi giới đưa lao động đi rồi còn phải quản lý, chịu trách nhiệm về những lao động này.
“Tình trạng bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp chủ yếu xảy ra ở Hàn Quốc, năm 2016, tới 55%. Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như yêu cầu nộp quỹ ở nhà, xử lý các doanh nghiệp cả 2 bên. Không chỉ doanh nghiệp phía Việt Nam có những biểu hiện vi phạm mà cá biệt có tình trạng doanh nghiệp nước bạn còn đào hầm cho lao động Việt trốn lại. Nhưng sau 3 năm đấu tranh, tỷ lệ lao động bỏ trốn tại đây đã giảm xuống dưới 30%, phía Hàn Quốc cũng đã công nhận kết quả này” – Bộ trưởng Dung thông tin.
P.Thảo