Bộ trưởng Tô Lâm: Chuyển đổi số góp phần tạo nền văn minh xã hội
(Dân trí) - Theo Đại tướng Tô Lâm, công tác quản lý, quản trị xã hội đã tốt hơn rất nhiều; tạo sự minh bạch, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm hữu ích.
Sáng 10/10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ 2 năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an) nhấn mạnh năm 2022, Bộ Công an đã quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số trong CAND.
Sang năm 2023, Chính phủ xác định là năm tạo lập và khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là năm lực lượng CAND tiếp tục có những nỗ lực triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.
"Bộ Công an từng bước hoàn thiện pháp luật, xây dựng và triển khai dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an nhằm phục vụ hiệu quả người dân, xã hội, phòng chống tham nhũng vặt, phòng chống hiệu quả tội phạm, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn trật tự xã hội, tạo văn minh xã hội", Thứ trưởng Ngọc nói.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và thể hiện quyết tâm khắc phục, rút kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số ngành công an.
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đánh giá công tác chuyển đổi số trong CAND đã góp phần nâng cao hệ thống quản trị xã hội, mang lại hiệu ứng rất quan trọng, phục vụ cho quản trị xã hội, tạo sức hút các ngành, các cấp, sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng của nhân dân trong chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, việc thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều khâu không những giảm thiểu thời gian đi lại, công sức của người dân, mà còn góp phần tạo nền văn minh xã hội.
"Công tác quản lý, quản trị xã hội đã tốt hơn rất nhiều, tạo sự minh bạch, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm hữu ích", Đại tướng Tô Lâm chia sẻ.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công an nhắc nhở các đơn vị không được chủ quan, chưa được hài lòng với những kết quả đó và còn rất nhiều việc cần phải làm.
"Những kết quả này mới chỉ là một số những lĩnh vực thiết yếu, trọng tâm trong Đề án 06. Trong ngành công an còn rất nhiều việc. Công an các đơn vị địa phương cần phải có báo cáo, kết quả hưởng ứng việc chuyển đổi số như thế nào, triển khai ra sao để đạt hiệu quả cao nhất, những mô hình hay cần phải được nhân rộng", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, đã báo cáo kết quả chuyển đổi số trong CAND 9 tháng năm 2023.
Cụ thể, trong năm 2023, 100% công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023.
Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24/6/2023; ban hành 2 Nghị định. Ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BCA ngày 01/7/2023 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Bộ đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chính thức triển khai 2 dịch vụ công liên thông "Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp mai táng" từ ngày 10/7; đảm bảo dịch vụ công xét tuyển đại học, cao đẳng hoạt động ổn định, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng năm 2023.
Về phát triển công dân số, Bộ đã cấp trên 83,76 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân; thu nhận trên 61,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 39,3 triệu tài khoản; đã phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng thuế điện tử.