1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng TN-MT trả lời về đề xuất "quyền sử dụng đất của người nước ngoài"

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà giải đáp đề xuất của đại biểu về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Chiều 4/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết về cơ bản, bố cục của dự thảo luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm một chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Đáng chú ý, tại hội thảo, đại diện một tập đoàn bất động sản cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa có quy định về quyền sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam. Pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản hiện nay có "xung đột" về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài với sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài.

Pháp luật nhà ở thừa nhận người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở nhưng pháp luật đất đai không thừa nhận người nước ngoài có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Cụ thể, Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014 quy định cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án nhà ở. Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 cũng quy định cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo pháp luật về nhà ở.

Tuy nhiên, Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 cũng như Điều 6 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không thống kê "người nước ngoài" thuộc đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Như vậy, các cá nhân nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở trong dự án thông qua các giao dịch nhưng lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất, trái nguyên tắc tại Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: "Việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất".

Cá nhân nước ngoài mua nhà ở thương mại trong dự án nhà ở theo Điều 159 Luật Nhà ở, do không có quyền sử dụng đất nên giao dịch mua bán này không "gắn liền với quyền sử dụng đất" như Luật Kinh doanh bất động sản quy định. Nếu chủ sở hữu bán lại nhà ở này (chẳng hạn cho người Việt Nam) thì giao dịch mua bán này liệu có "gắn với quyền sử dụng đất" hay không? Về mặt logic, người bán (người nước ngoài) không có quyền sử dụng đất thì đương nhiên người mua cũng không có quyền sử dụng đất (bởi không được nhận chuyển giao quyền này từ người bán).

Từ đó, đại diện tập đoàn này khẳng định, vô hình chung người Việt Nam mua nhà ở của người nước ngoài chịu quy chế pháp lý như người nước ngoài (chỉ có quyền sở hữu nhà ở mà không gắn với quyền sử dụng đất). Để giải quyết tận gốc, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần thiết phải ghi nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

Giải đáp thắc mắc, góp ý nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai và tổng kết Luật Đất đai.

Ông Hà khẳng định, Luật Đất đai chưa bao giờ "mở" về quyền sử dụng đất đối với người nước ngoài tại Việt Nam. Theo ông Hà, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới vấn đề này cũng "nhạy cảm", liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng TN-MT trả lời về đề xuất quyền sử dụng đất của người nước ngoài - 1

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải đáp thắc mắc của các đại biểu góp ý về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh: K.Trung).

Dù vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ giao Tổng cục Quản lý đất đai trao đổi, giải trình từng nội dung cụ thể giải đáp thắc mắc, băn khoăn của các đại biểu có ý kiến góp ý.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn ra ví dụ Luật Bảo vệ môi trường 2020 trước đây, sát đến ngày Quốc hội thông qua nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng gặp gỡ 33 cơ quan báo chí để giải đáp rõ ràng những vấn đề còn băn khoăn, khúc mắc.

"Tôi cũng sẽ giải trình với Quốc hội từng vấn đề một ở Luật Đất đai sửa đổi. Từng câu, từng dấu phẩy trong dự thảo luật này đều được tính toán kỹ lưỡng"- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Vì sao dự án lấn biển chỉ đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước?

Tại hội thảo, đại diện một đơn vị phát triển dự án bất động sản cũng cho rằng lấn biển là hoạt động quan trọng để bảo vệ bờ biển, ứng phó biến đổi khí hậu và mở rộng diện tích phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang thực hiện để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội bằng đa dạng các nguồn vốn trong đó chủ yếu là nguồn vốn tư nhân.

Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ ghi nhận "dự án lấn biển đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước" để tạo lập quỹ đất. Thực tế các dự án lấn biển yêu cầu vốn đầu tư vô cùng lớn, cần huy động tốt nguồn lực từ khối tư nhân để phát triển hiệu quả. Vì vậy dự thảo luật cần tính lại chuyện này.