Bộ trưởng TN-MT “lụt” trong trách nhiệm cấp sổ đỏ
(Dân trí) - “Nếu đến cuối năm chỉ tiêu cấp “đỏ đỏ” không hoàn thành, Thủ tướng có phê bình, kiểm điểm trách nhiệm Bộ trưởng, tôi phải chịu. Nhưng khi đó cũng cần sòng phẳng nhìn nhận trách nhiệm chủ yếu là các địa phương” – Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trình bày.
Quá nửa câu hỏi dành cho Bộ trưởng TN-MT trong phiên chất vấn tại UB Thường vụ chiều 20/8 là những lo lắng, bức xúc về tiến độ “trầy trật” của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu một loạt câu hỏi về kết quả, tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết Quốc hội đã giao. Hiện vẫn còn một số lượng lớn “sổ đỏ” lần đầu chưa được cấp, tập trung vào 18 tỉnh khó khăn. Giải pháp để đạt mục tiêu hoàn thành trong năm nay? Thực tế việc cấp chậm dẫn đến hạn chế hiệu quả của việc đo vẽ bản đồ. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với tồn tại, bất cập này?
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trả lời, sau Nghị quyết 30 của QH, Chính phủ đặc biệt quan tâm, quán triệt đối với việc cấp sổ đỏ. Từ góc độ của cơ quan thực thi trực tiếp, Bộ trưởng Quang cho biết bản thân hết sức lo lắng vì nếu cuối năm nay không mục tiêu cơ bản hoàn tất việc cấp sổ đỏ lần đầu, hệ quả để lại sẽ hết sức khó khăn.
“Tôi đã 1 lần hứa phấn đấu sao để cuối năm nay hoàn thành được ít nhất 85% nhưng người tiền nhiệm thì đã hứa nhiều lần. Vấn đề cần nhất bây giờ là quyết tâm của các địa phương” – ông Quang nói.
Bộ trưởng TN-MT cũng thanh minh, chưa bao giờ Bộ đôn đốc, giám sát, kiểm tra nhiều như 2 năm vừa qua. Tại 18 tỉnh chậm nhiều so với tiến độ, Bộ đã tổ chức họp 2 lần trong vòng 6 tháng đầu năm. Ông Quang chia sẻ, cơ quan quản lý ở TƯ rất quyết tâm nhưng công việc chủ yếu ở địa phương nên tỉnh thành quá chậm thì Bộ cũng không biết phải làm cách nào.
Ông Quang “tố”, nhiều tỉnh vừa qua đã “thúc” quyết liệt nhưng cũng có không ít địa phương hết sức khó khăn (nằm chủ yếu ở nhóm tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên). Khó khăn thấy rõ vì đây là các địa phương đất rộng, rừng núi nhiều và thu ngân sách rất thấp. Trong khi đó, việc cấp sổ đỏ cần 1 khoản kinh phí để đo vẽ hồ sơ địa chính. Dù Chính phủ có quy định phải dành 10% nguồn thu từ đất cho công việc đo vẽ, cấp giấy chứng nhận nhưng các tỉnh này, tiền thu từ đất mỗi năm cũng không đáng kể. Sơ tính, hiện cần khoảng 1.000 tỷ đồng cần lo được cho các địa phương mới khả dĩ giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Giải pháp tháo gỡ, theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh là về cơ chế chính sách. Ông Quang cũng bày tỏ nguyện vọng, mong Quốc hội có sự hỗ trợ để công việc chốt lại đạt được kết quả chung.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc cấp giấy giấy chứng nhận còn nhiều khó khăn là giá thu tiền sử dụng đất. Đại biểu dẫn quy định, làm nhà ở trên đất thổ cư không phải đóng tiền nếu trong hạn mức và chỉ đóng 50% ngoài hạn mức nhưng thực tế người dân phải đóng 40% với diện tích trong hạn mức và 100% diện tích hạn mức.
Ngoài ra, thực tế, nhiều hộ dân được đơn vị quân đội cấp đất làm nhà trước 1993 nhưng khi làm “sổ đỏ” phải nộp các khoản tiền sử dụng đất như vậy, cộng với tiền phạt chậm nộp theo Nghị định 120 năm 2010 nên đã “quay lưng” luôn. Cho rằng Nghị định này có nhiều điểm tréo ngoe, ông Vở quan tâm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn này.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) ghi nhận quyết tâm, các biện pháp vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ TN-MT nhưng cũng băn khoăn khi cơ quan chức năng không có giải pháp nào để nhắc, thúc ép các địa phương chưa thực hiện đúng yêu cầu. Ông Hoàng đề nghị công khai danh sách các địa phương “chậm tiến” này.
Bộ trưởng TN-MT vẫn nhũn nhặn xin chưa thông báo cụ thể danh sách những tỉnh chưa quyết liệt này nhưng cũng “chốt hạn” 31/12 là mốc cuối cùng, các địa phương vẫn không tiến triển sẽ phải công khai.
“Nếu chỉ tiêu cuối năm không hoàn thành, khi đó Thủ tướng có phê bình, kiểm điểm trách nhiệm Bộ trưởng tôi cũng phải chịu. Nhưng khi đó cũng cần sòng phẳng nhìn nhận là nhiều địa phương không quyết liệt triển khai chứ không phải vấn đề của các Sở, Phòng TN-MT, càng không phải của Bộ chúng tôi” – ông Quang phân trần.
Không tán thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu ngay sau phiên giải trình, Bộ TN-MT cần báo cáo Thủ tướng những tỉnh thành thiếu trách nhiệm để có biện pháp phê bình, kiểm điểm, thậm chí xử lý kỷ luật nếu phát hiện có sai phạm, tiêu cực.
Giá thị trường khi đó, Bộ trưởng TN-MT khẳng định, rõ ràng là đầu cơ, không bình thường chút nào. Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng ít năm gần đây theo ông Quang, gần như không có gì đáng kể, giá đất, giá nhà, giá chung cư đều đi xuống. Đó là dấu hiệu thể hiện giá sẽ trở về bình thường so với giá bị đầu cơ, nâng khống trước đó.
Với những câu hỏi liên quan đến việc giải quyết khiếu kiện đất đai, dẫn lại báo cáo gửi tới UB Thường vụ trước phiên chất vấn, Bộ trưởng TN-MT trình bày kinh nghiệm, đối thoại trực tiếp là việc làm rất hiệu quả nhưng phải là người đứng đầu, người có quyền quyết định tham gia thì khả năng thành công sẽ rất cao. Ngược lại người không có thẩm quyền mà trực tiếp đối thoại với công dân thì phần lớn là lòng vòng, né tránh, không quyết định... nên hiệu quả thấp và thậm chí làm cho người khiếu nại bức xúc thêm.
“Các cấp chính quyền “vô cảm” với người khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết chỉ để hết trách nhiệm thì tình trạng khiếu kiện kéo dài sẽ không bao giờ chấm dứt. Do vậy trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại phải đặt mục tiêu giải quyết đúng pháp luật, có lý, có tình, có tâm, xóa bỏ tư duy về “hết thời hiệu, hết thẩm quyền” thì mới hạn chế và giảm các vụ việc phức tạp, kéo dài phát sinh” – ông Quang khái quát và đưa ra dự báo lạc quan, 6 tháng cuối năm 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ có khả năng không phát sinh.
Hỗ trợ thêm Bộ trưởng TN-MT ở nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong số 528 vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài (trong đó có 422 vụ về đất đai) đến nay chỉ còn 37 vụ tiếp tục khiếu kiện. Sơ kết đánh giá trên 3 vùng trong cả nước, từ đầu tháng 8, tình hình khiếu kiện kéo dài đã dịu đi.
P.Thảo