1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Thăng: "Thu tiền của dân chưa bao giờ là phương án dễ dàng"

(Dân trí) - Nói về các khoản phí đánh vào phương tiện mà Bộ GTVT vừa đề xuất thu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân về cơ sở và mức phí.

Bộ trưởng Thăng: Thu tiền của dân chưa bao giờ là phương án dễ dàng

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 (ảnh: N.M)

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân”

Nói về cơ sở của việc đề xuất các loại phí đánh vào phương tiện như phí lưu hành nội đô giờ cao điểm, phí hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, các đề xuất này đều dựa trên chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra trước đó.

Cụ thể, với phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo Luật Đường bộ. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2009 nhưng do triển khai chậm trong việc ra Thông tư, Nghị định hướng dẫn nên bây giờ mới làm được, nhẽ ra đã phải làm sớm hơn.

Còn về phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí phương tiện giao thông vào thành phố trong giờ cao điểm, Bộ trưởng dẫn căn cứ thực hiện là Nghị quyết số 21 của Quốc hội 29/11/2011. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ Quốc hội tán thành chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông và giao cho các bộ ngành cơ quan chức năng trong phạm vi quyền hạn của mình thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chống ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Bộ trưởng Thăng cũng dẫn ra báo cáo 256 của Quốc hội ngày 15/11/2011, trong số các giải pháp để thực hiện giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc trong các thành phố lớn có việc thu phí đối với các phương tiện giao thông cá nhân và thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Cùng với đó, tại Nghị quyết 13 của Hội nghị Trung ương IV vừa rồi nêu rất rõ: phát triển cơ cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của xã hội,mọi người dân đề có nghĩa vụ tham gia đóng góp. Nghị quyết đề cập đến việc sửa đổi bổ sung các quy định về thuế, giá, phí, lệ phí , nhượng quyền để tăng tính thương mại của dự án và tương xứng sự đóng góp của người sử dụng.

Vì vậy, “đây không phải là sáng kiến của Bộ GTVT” – vị “tư lệnh” ngành giao thông nói. “Tất nhiên chúng tôi không nói thế để trốn tránh trách nhiệm, mà trách nhiệm chính chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân” – trích lời Bộ trưởng.

Giảm được người chết vì tai nạn giao thông – đó mới là vô giá!

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, số tiền thu về với ô tô sẽ phân loại thông qua phân khối của xe.

Theo đó, mức tối thiểu là 10 triệu đồng/năm với loại xe 1.0 trở xuống; từ 1.0 đến 1.5 là 15 triệu đồng, trên 1.5 đến 2.0 là 20 triệu đồng… Qua tính toán, thì mức thu sẽ là từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng.

Riêng trường hợp thu phí tuyến quốc lộ Sài Gòn - Trung Lương bị phản anh là “mức thu phí trên trời”, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này sẽ Bộ GTVT xem xét lại. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, lượng xe đi trên tuyến này hiện vẫn đông và chi phí vẫn rẻ hơn so với đi đường cũ quốc lộ 1A.

Ông cũng nói, “Tôi chưa bao giờ nói, việc thu tiền của người dân là phương án dễ dàng cả”.

Đặt trường hợp đề xuất của Bộ GTVT không được thông qua, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh, ông đã lường được cả trường hợp là Chính phủ có thể không thông “nhưng trong trách nhiệm của mình thì Bộ phải đảm bảo làm sao chất lượng đề án phải tốt, phải đảm bảo bám sát thực tiễn, đem lại lợi ích cho đa số người dân”.

Ông cho rằng, một chính sách đưa ra tất nhiên thì sẽ tác động đến một nhóm người nhưng phần đa nhân dân sẽ hưởng lợi. Kể cả những người nộp tiền thì họ cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng chất lượng giao thông thông qua số tiền đó.

Nêu bật những kết quả về nỗ lực giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong quý I đầu năm nay, Bộ trưởng nói, “giảm được người chết, đó mới là vô giá và việc mỗi năm giảm thiểu được hàng nghìn người chết là cái mừng chung của toàn xã hội”.

Bích Diệp