Hà Nội:
Bộ trưởng Thăng thăm các nạn nhân nguy kịch do TNGT
(Dân trí) - Sáng 3/9, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng đã dẫn đầu đoàn thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình có người bị tai nạn giao thông, trước “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”.
Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình và các nạn nhân tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Bác sĩ Nguyễn Đức Chính - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Việt Đức cho biết, theo tổng hợp của bệnh viện, trong một vài năm trở lại đây, số lượng các ca điều trị về tai nạn giao thông giảm nhưng về độ nghiêm trọng thì không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2007, mỗi ngày trung bình có từ 50 đến 60 ca tai nạn giao thông nhập viện Việt Đức thì 9 tháng năm 2012, mỗi ngày trung bình có khoảng 43 ca nhập viện.
Theo đó, ngoài những tổn hại trầm trọng về sức khỏe, tinh thần của người bị tai nạn giao thông thì chi phí điều trị các cai tai nạn cũng trở thành gánh nặng kinh tế không nhỏ với gia đình các nạn nhân. Thông thường, 1 ca phẫu thuật chấn thương sọ não tại Bệnh viện Việt Đức được thực hiện hoàn thiện từ 3 đến 5 ngày với chi phí từ 5 đến 7 triệu đồng. Đó chỉ là phần cứng trong việc điều trị một ca tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não.
Đoàn công tác đã trực tiếp đến thăm hỏi và động viên một số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Các nạn nhân tai nạn giao thông đều trong tình trạng hết sức nguy kịch và có hoàn cảnh khó khăn. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, cháu Bùi Thị Chúc (10 tuổi) quê tại Xuân Trưởng - Nam Định khi sang đường đã bị ô tô lao trực diện dẫn đến chấn thương sọ não nặng trong khi bố mẹ đều làm ruộng, rất khó khăn trong điều trị cho cháu.
Trường hợp cháu Hoàng Gia Bảo Nam (14 tháng tuổi), quê tại Chi Lăng - Lạng Sơn cũng rất thương tâm. Một tài xế say rượu đã gây tai nạn khiến cả bố, mẹ cháu đều tử vong, cháu bị chấn thương.
Trường hợp tai nạn giao thông đặc biệt thương tâm khác đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức là trường hợp anh Nguyễn Duy Vinh (34 tuổi), quê tại Cổ Lũng - Phú Lương (Thái Nguyên). Bị một xe ô tô lao trực diện do tài xế say rượu, anh Vinh đã phải cắt mất một chân, đa chấn thương nghiêm trọng.
Đoàn công tác còn đến thăm hỏi, động viên một số gia đình có thân nhân bị tử vong do tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Trường hợp gia đình em Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1990) tại ngách 124/22 đường Âu Cơ - Yên Phụ (Hà Nội) có cả bố mẹ và em trai đều tử nạn trong một vụ tai nạn đường sắt tại điểm giao cắt Thường Tín (Hà Nội) năm 2010 khiến cả 3 chị em Hằng mồ côi phải tự đùm bọc nhau. Vượt qua nỗi mất mát quá lớn, là chị cả, Hằng vừa là sinh viên Đại học Dược Hà Nội vừa cố gắng hết sức lo lắng cho các em. Em thứ đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong khi em út mới 10 tuổi.
Gia đình chị Trần Thị Dung (SN 1971), trú tại ngõ Quỳnh - Thanh Nhàn - Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân thương tâm của tai nạn giao thông. Một vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng đã khiến chồng chị tử vong, bản thân chị liệt nửa người trong khi 3 con nhỏ phải vừa học vừa đi làm, vừa chăm sóc mẹ.
Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng nhớ trên phạm vi toàn cầu. Là thành viên của Liên đoàn Đường bộ quốc tế và Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu, đã nhất trí thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ thế giới, Việt Nam tham gia các chủ trương của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có việc hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ”. Việt Nam cùng thế giới kỷ niệm sự kiện đặc biệt này nhằm tưởng nhớ những người bị thiệt mạng và cảm thông, chia sẻ với nỗi đau của người thân, gia đình họ, và đặc biệt là kêu gọi ý thức ngăn ngừa thương tích tai nạn giao thông đường bộ. |
Anh Thế