1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Bộ trưởng Thăng nói thế nhưng mong Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra”

(Dân trí) - Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho kiểm tra, giám sát lại việc xây dựng quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Nam để giải tỏa tâm tư của cử tri địa phương.

Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) tha thiết đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho kiểm tra lại bất hợp lý trong đầu tư xây dựng quốc lộ 1A trong phạm vi cả nước đối với những đoạn xây dựng không đúng 20,5m, không có hai làn xe thô sơ, mặt đường chỉ còn 16,5m gây khó khăn cho các phương tiện giao thông và là nguồn nguy hiểm cao độ, trong đó có đoạn từ Km947 đến Km987 qua Quảng Nam.

 

Đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

 

“Tôi không nói Bộ trưởng ép hay bóp đường qua tỉnh Quảng Nam”

Trong phần trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng đã trả lời kỹ thắc mắc của ông Ngô Văn Minh.

Ông Thăng cho biết, tại thời điểm trước khi triển khai đề án mở rộng quốc lộ 1, Thủ tướng đã cho phép đầu tư mở rộng theo hình thức BOT 45km, còn 40 km chưa được đầu tư.

Theo đề án mở rộng quốc lộ 1, Thủ tướng chấp thuận và trong quy hoạch giao thông vận tải đường bộ cũng đã được Thủ tướng phê duyệt, đoạn từ Km 947 đến Km 987 (dài 40km) giữ nguyên hiện trạng, chỉ tiến hành tăng cường mặt đường bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do song hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang xây dựng. Ông Thăng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải  đã chấp hành nghiêm.

Tuy nhiên từ tháng 6/2013, UBND tỉnh Quảng Nam có đề nghị Thủ tướng cho phép mở rộng đoạn này bằng nguồn vốn trái phiếu. Và Thủ tướng đã có ý kiến, trước mắt chưa tiến hành đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km 947 đến Km 987. Việc đầu tư nâng cấp và mở rộng đoạn này sẽ triển khai khi có đủ điều kiện.

“Tuy nhiên đây là đoạn đường có nhiều doanh nghiệp, lượng lưu thông lớn nên Quảng Nam tiếp tục có văn bản đề nghị. Và Bộ Giao thông vận tải cũng thấy cần thiết nên đã có báo cáo Thủ tướng trên cở sở đồng tình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở rộng đoạn này bằng hình thức BOT, tức là mở rộng trạm thu phí Hòa Phước chứ không lập trạm thu phí mới”- ông Thăng dẫn giải.

Bộ trưởng Giao thông khẳng định việc mở rộng quốc lộ 1 qua Quảng Nam là thực hiện đúng quy hoạch, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đúng văn bản đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.

“Không có chuyện Bộ Giao thông vận tải “bóp” đoạn quốc lộ 1 qua Quảng Nam”- ông Thăng khẳng định.

Bên cạnh đó, “tư lệnh” ngành giao thông cho biết đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ có cách đường quốc lộ 1 qua Quảng Nam từ 3- 5 km và dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2017. Vì vậy phải tính toán lưu lượng phù hợp để đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại biểu Ngô Văn Minh cho biết ông hỏi và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhưng Bộ trưởng Đinh Thăng lại nói “thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trả lời”.

“Tôi khẳng định tôi không nói Bộ trưởng “ép” hay “bóp” đường tỉnh Quảng Nam cả. Bộ trưởng trả lời như vậy phải chăng không muốn Thủ tướng cho kiểm tra lại đoạn này ?”- ông Minh thẳng thắn.

Theo ông Minh, con đường rõ ràng bất cập. Bất cập ở chỗ đã có đường cao tốc song hành qua Quảng Nam hơn 100 km nhưng chỉ có 4 điểm kết nối, có những đoạn kết nối dài hơn chục km từ Quốc lộ 1A lên đường cao tốc.

“Trong hơn 40 km, hai xe vượt nhau không được, anh em tài xế buộc lòng phải vượt nhau bên phải, bởi một bên toàn là ô tô đi”-ông Minh nói và thẳng thắn cho rằng đoạn này làm theo hình thức BOT và không phải ngẫu nhiên mà UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cho làm 16 km đường BOT.

Kết thúc bài phát biểu, ông Ngô Văn Minh thẳng thắn: “Mặc dù Bộ trưởng Thăng nói thế nhưng mong Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, có thể cho một số ủy ban chức năng của Quốc hội cùng đi giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội trên con đoạn này, xem nó thực hư thế nào, để giải tỏa tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Sáng nay tôi phát biểu và có cử tri nhắn cho tôi là "hoan hô đại biểu Minh về vấn đề đề nghị đoạn này". Họ nói còn 2 trạm thu phí cách nhau 50km tại sao không nói luôn, tôi bảo vì không có thời gian”.

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

 

Cách nào tiết kiệm 14.000 tỷ ở hai dự án giao thông ?

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) xung quanh nguyên nhân, biện pháp nào khiến dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có số dư hơn 14.000 tỷ vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc rà soát các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Giao thông vận tải thực hiện thường xuyên và ở tất cả các dự án, chứ không riêng gì hai dự án này.

Từ năm 2011 đến nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát 68 dự án. Tổng số vốn đầu tư giảm so với dự kiến ban đầu khoảng hơn 57.242 tỷ đồng; trong đó rà soát phân kỳ đầu tư giảm hơn 13.463 tỷ đồng, rà soát phân kỳ quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật giảm 16.245 tỷ đồng, kiểm định gia cường kéo dài thời hạn khai thác của cầu giảm 1.658 tỷ đồng, lựa chọn giải pháp thiết kế hợp lý, tiết kiệm kinh phí ước tính khoảng gần 15.912 tỷ đồng.

Bộ trưởng Thăng lấy ví dụ về cầu Cổ Chiên và cầu Mỹ Lợi trước kia thiết kế cầu dây văng, nhưng sau đó có báo cáo Chính phủ và cho phép thiết kế cầu bê tông cốt thép dự ứng lực thì giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng. Hay như dự án Bến Lức - Long Thành cũng giảm được gần 10.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, các dự án được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nên tiết kiệm được chi phí giải phóng mặt bằng, tiết kiệm được chi phí trượt giá do rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm chi phí lãi vay dự án BOT và tiết kiệm 5% đối với các dự án quốc lộ 1 và quốc lộ 14 sử dụng trái phiếu Chính phủ sử dụng giảm khoảng 9.934 tỷ đồng.

Đối với các dự án quốc lộ 1 và quốc lộ14 giảm được số tiền như vậy, theo ông Thăng, cũng là do các nguyên nhân trên. Ngoài ra, dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đồng loạt triển khai trong thời gian ngắn từ Hà Nội đến Cần Thơ. Vì vậy trong cơ chế thực hiện dự án, Chính phủ đã cho phép chỉ định thầu. Và trên cơ sở lập dự toán chặt chẽ nên đã giảm được 5%.

Hiện Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ rà soát các dự án để đảm bảo sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất.

Không có chuyện xây cầu treo 3,5 tỷ chỉ phục vụ 2 hộ dân

Cũng trong chiều 17/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, về việc cầu treo ở Hà Tĩnh đầu tư lên tới 3,5 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ 2 hộ dân, trong đó 1 hộ là gia đình Chủ tịch UBND xã.

 

Cầu treo Khe Tây.
Cầu treo Khe Tây.

 

Theo ông Thăng, việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây (xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã nằm trong quy hoạch được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt từ năm 2011.

Sau khi có ý kiến của báo chí, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đoàn công tác cùng tỉnh Hà Tĩnh vào tận nơi xem xét.

“Thực tế, thôn Khe Tây có 43 hộ dân với khoảng gần 200 nhân khẩu. Cầu treo này phục vụ thiết thực cho việc đi lại của bà con trong thôn. Sở dĩ có một số ý nói đầu tư không cần thiết là vì khi mùa cạn thì nước suối không có, nhưng chúng ta làm cầu để đi 4 mùa để đảm bảo an toàn. Cầu này hoàn toàn có ý nghĩa thiết thực”- Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Ông Thăng cho biết vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã tổng kết giai đoạn 1 làm 187 cầu treo trên cả nước và tất cả các cầu đều có hiệu quả thiết thực.

Thế Kha